Đường dẫn truy cập

Mỹ hạn chế nhập khẩu đối với 3 công ty Trung Quốc nữa vì cưỡng bức lao động


Cờ Trung Quốc tại nơi bị coi là một trại lao cải ở Tân Cương (ảnh tư liệu, 2019).
Cờ Trung Quốc tại nơi bị coi là một trại lao cải ở Tân Cương (ảnh tư liệu, 2019).
Hôm 26/9, Mỹ ra quyết định hạn chế nhập khẩu đối với 3 công ty nữa của Trung Quốc. Đây là một phần trong nỗ lực loại trừ khỏi chuỗi cung ứng của Mỹ những hàng hóa được sản xuất bằng cách cưỡng bức người thiểu số Duy Ngô Nhĩ phải lao động.

Theo một công bố của chính phủ Mỹ, Công ty Dệt may Xinjiang Tianmian Foundation, Công ty Dệt len Xinjiang Tianshan và Công ty Xinjiang Zhongtai Group đã bị bổ sung vào sổ đen có tên là Danh sách Pháp nhân theo Đạo luật Ngăn chặn việc người Duy Ngô Nhĩ bị Cưỡng bức Lao động, nâng tổng số các pháp nhân trong danh sách lên thành 27.

Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ nói trong một tuyên bố rằng 3 công ty này bị xác định thuộc diện vi pham do hoạt động kinh doanh của họ gắn với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân bị đàn áp khác.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas nói trong tuyên bố: “Chúng tôi không dung thứ các công ty sử dụng lao động cưỡng bức, xâm hại nhân quyền của các cá nhân để kiếm lợi nhuận”.

Hoa Kỳ cho hay 3 công ty này bị liệt vào diện vi phạm vì đã hợp tác với chính quyền Tân Cương để tuyển dụng và di chuyển, chứa chấp hoặc áp dụng lao động cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh, người Kyrgyz hoặc những người thuộc các nhóm dân bị đàn áp khác ở trong vùng.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi những cáo buộc về lao động cưỡng bức ở Tân Cương là “lời nói dối thế kỷ” và nói thêm rằng chúng có mục đích làm mất uy tín của Trung Quốc và chặn đà phát triển của nước này.

Người phát ngôn Uông Văn Bân nói trong một cuộc họp báo: “Về bản chất, (Mỹ) đang làm suy yếu sự thịnh vượng và ổn định của Tân Cương, kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc và phá hủy các quy tắc thương mại quốc tế cũng như trật tự thị trường”.

Tuyên bố của Hoa Kỳ cho biết Công ty Dệt may Xinjiang Tianmian Foundation sản xuất sợi và các sản phẩm dệt khác. Công ty Xinjiang Zhongtai Group sản xuất và bán polyvinyl clorua (PVC) và các vật liệu dệt, hóa chất và xây dựng khác. Công ty Dệt len Xinjiang Tianshan bán sản phẩm bằng len cashmere và len thường cùng nhiều mặt hàng khác.

Ba công ty này đều có trụ sở tại Tân Cương. Cả 3 công ty đều không trả lời ngay khi được đề nghị đưa ra bình luận.

Một văn bản luật năm 2021, có tên “Danh sách Pháp nhân theo Đạo luật Ngăn chặn việc người Duy Ngô Nhĩ bị Cưỡng bức Lao động” (UFLPA), cấm nhập khẩu vào Hoa Kỳ những hàng hóa được sản xuất ở Tân Cương hoặc bởi các công ty có tên trong sổ đen, trừ khi nhà nhập khẩu có thể chứng minh rằng hàng hóa đó được sản xuất ra không dính líu đến lao động cưỡng bức.

Các quan chức Hoa Kỳ tin rằng chính quyền Trung Quốc đã lập ra các trại lao cải chứa người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân thiểu số Hồi giáo khác ở khu vực Tân Cương, miền tây Trung Quốc. Bắc Kinh phủ nhận mọi cáo buộc về tình trạng xâm hại người thiểu số.

Cũng hôm 26/9, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cập nhật văn bản cảnh báo về hoạt động kinh doanh nói tới chuỗi cung ứng Tân Cương để kêu gọi các bên quan tâm đến “hành vi diệt chủng và tội ác chống lại loài người của Trung Quốc đang diễn ra ở Tân Cương, cũng như các bằng chứng về việc áp dụng cưỡng bức lao động tràn lan ở đó”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG