Tòa Bạch Ốc hoan nghênh việc Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng chú trọng và tăng cường các nỗ lực nhằm chống lại Nhà nước Hồi Giáo tại miền bắc Syria và Iraq, đồng thời cũng nhắm vào những chiến binh đòi ly khai người Kurd.
Thông tín viên Đài VOA Victor Beattie tường trình là một cố vấn an ninh quốc gia tháp tùng Tổng thống Obama trong chuyến viếng thăm Châu Phi nói rằng trong khi Thổ Nhĩ Kỳ có quyền hành động chống lại các mục tiêu khủng bố, các đối tác trong vùng nên làm việc với nhau để làm suy yếu các nơi an toàn của Nhà nước Hồi Giáo.
Phụ tá Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Ben Rhodes nói Hoa Kỳ hoan nghênh quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ mở các cuộc không kích vào các mục tiêu Nhà nước Hồi Giáo và chia sẻ quan điểm của Ankara là Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) là một tổ chức khủng bố.
“Chúng ta khuyến khích các đối tác khác nhau của chúng ta trong cuộc chiến này làm việc với nhau và chúng ta rõ ràng là có một mối quan hệ cộng tác tốt đẹp với chính quyền khu vực của người Kurd ở miền bắc Iraq và các đường dây thông tin liên lạc đó đang mở rộng. Thổ Nhĩ Kỳ có quyền hành động liên hệ đến những mục tiêu khủng bố và chúng ta chắc chắn một lần nữa đánh giá cao những nỗ lực ngày càng tăng của họ chống lại ISIL. Chúng ta sẽ tiếp tục tiếp xúc với họ trong những ngày tới.”
Ông Rhodes nói ông nghĩ hành động của Thổ Nhĩ Kỳ có thể đưa đến những nỗ lực rộng rãi và hữu hiệu hơn để giảm thiểu những nơi an toàn của IS tại miền bắc Syria và Iraq, nhưng ông nói thêm “họ sẽ làm việc với nhiều đối tác khác nhau” để hoàn thành mục đích này. Ngày hôm qua, Hoa Kỳ thực hiện hơn 30 cuộc không kích nhằm các mục tiêu Nhà nước Hồi Giáo tại Syria lẫn Iraq.
Washington cho biết sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ là kết quả của những cuộc thảo luận liên tục. Việc này tiếp theo vụ tấn công trong tuần qua vào thị trấn biên giới Suruc làm 32 người thiệt mạng và những cuộc tấn công riêng rẽ giết chết một số nhân viên lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đổ lỗi cho PKK về vụ giao tranh mới đây làm 3 nhân viên thuộc lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong đó có những vụ bắt cóc công dân và công chức Thổ Nhĩ Kỳ. Các cuộc không kích của Ankara nhắm vào PKK, tổ chức đã phát động một cuộc chiến tranh nổi dậy đòi tự trị cho quê hương của họ vào những năm 1980, đe dọa cuộc ngưng bắn mong manh kéo dài 3 năm với tổ chức này. PKK cho biết cuộc ngưng bắn không còn hiệu lực nữa.
Ông Brett McGurk, phó đặc sứ của tổng thống về Liên minh toàn cần chống IS, ngày hôm qua đưa lên Twitter là không có liên hệ giữa những cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ chống PKK “và sự gia tăng hợp tác giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ chống lại Nhà nước Hồi Giáo.
Tuy nhiên ông Stephen Zunes, một nhà phân tích vùng thuộc trường đại học San Francisco nói những cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi Giáo.
“Đảng PKK và những đồng minh thân cận, như PYG có căn cứ tại Syria, nằm trong số những chiến binh chống Nhà nước Hồi Giáo hữu hiệu nhất. Và do đó, chúng ta hiện nay đang có tình trạng là Thổ Nhĩ Kỳ được Hoa Kỳ vũ trang oanh kích các lực lượng người Kurd liên minh với Hoa Kỳ trong những cuộc tấn công vào Nhà nước Hồi Giáo, và đây là một sự phức tạp khác trong cuộc chiến đang diễn biến tại vùng đất này của thế giới.”
Thổ Nhĩ Kỳ nói những diễn biến mới đây xác nhận tầm quan trọng của việc thành lập một khu an toàn dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria để yểm trợ không quân cần thiết và bảo vệ những phần tử của Quân đội Syria Tự do FSA và những lực lượng ôn hòa khác đang chiến đấu chống lại chế độ Assad và Nhà nước Hồi Giáo.