Đường dẫn truy cập

Mỹ hoan nghênh thỏa thuận chia quyền tại Afghanistan


Theo thỏa thuận này, ông Ghani (trái) sẽ làm tổng thống và ông Abdullah nắm chức vụ trưởng quan hành chánh mới được thiết lập này để cộng tác chặt chẽ với tân tổng thống để điều hành việc nước.
Theo thỏa thuận này, ông Ghani (trái) sẽ làm tổng thống và ông Abdullah nắm chức vụ trưởng quan hành chánh mới được thiết lập này để cộng tác chặt chẽ với tân tổng thống để điều hành việc nước.

Chính quyền của Tổng thống Obama đã ca ngợi thỏa thuận thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia giữa các ứng viên tổng thống đối nghịch ở Afghanistan, và nói rằng thỏa thuận đó là “một cơ hội quan trọng” để đoàn kết và gia tăng ổn định. Thông tín viên VOA Victor Beattie tường thuật rằng thỏa thuận chấm dứt 6 tháng bế tắc chính trị mà nổi bật là cơ cấu chia sẻ quyền lực do Ngoại trưởng John Kerry làm trung gian. Ông Kerry cho rằng thỏa thuận này bảo đảm quá trình chuyển đổi dân chủ một cách hòa bình đầu tiên ở Afghanistan.

Tòa Bạch Ốc đã hoan nghênh cựu ngoại trưởng Afghanistan Abdullah Abdullah và cựu Bộ trưởng Tài chính đồng thời là giới chức của Ngân hàng Thế giới Ashraf Ghani vì đã ký kết thỏa thuận, và nói rằng thỏa thuận này “giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị ở Afghanistan và khôi phục niềm tin vào con đường phía trước”. Tuyên bố của Tòa bạch ốc nói rằng Hoa Kỳ ủng hộ thỏa thuận và sẵn sàng hợp tác với tân chính quyền Afghansitan để bảo đảm thành công.

Tổng thống Obama hôm qua đã điện đàm với cả hai ứng viên để chúc mừng sự lãnh đạo của họ cũng như sự sẵn sàng hợp tác nhằm thúc đẩy các quyền lợi quốc gia của Afghanistan.

Phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc hôm qua, Ngoại trưởng Kerry khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Hoa Kỳ và Afghanistan cũng như cam kết tiếp tục ủng hộ tân chính phủ.

“Tôi muốn chúc mừng Tiến sỹ Ashraf Ghani mới được thông báo là tổng thống Afghanistan và Tiến sỹ Abdullah Abdullah vì những hành động của họ như những chính khách lỗi lạc, vì sự lãnh đạo, vì sự sẵn lòng đặt Afghanistan và quyền lợi của người dân Afghanistan lên trên các lợi ích cá nhân và đảng phái. Họ đã cùng tham gia chính phủ đoàn kết, một chính phủ sẽ mang lại cơ hội lớn nhằm đạt tiến bộ ở Afghanistan cũng như dẫn tới việc ký kết Thỏa thuận An ninh Chung với Hoa Kỳ trong vòng khoảng một tuần nữa và lễ nhậm chức của tân tổng thống vào tuần tới, và quan trọng hơn nữa là một chương trình đoàn kết và cải cách thật sự sẽ được thực thi nhân danh người dân Afghanistan.”

Ông Kerry chính là người đã giúp dàn xếp thỏa thuận chia sẻ quyền lực hồi tháng Tám. Ông nói rằng các diễn biến mới này sẽ mở ra một chương mới trong mối quan hệ Mỹ-Afghanistan.

Hôm qua, ông Ghani đã được công bố là tổng thống đắc cử. Theo thỏa thuận dài 4 trang, ông Ghani sẽ chia sẻ quyền lực với ông Abdullah, là người sẽ nắm giữ vị trí trưởng quan hành chính. Ông Ghani sẽ nhậm chức tổng thống vào thứ Hai tuần tới (29/9). Cả hai giới chức sẽ cùng quyết định xem ai sẽ lãnh đạo các bộ quan trọng.

Ông Jonah Blank, nhà phân tích về Nam Á của tổ chức nghiên cứu RAND Corporation ở Washington, hoan nghênh thỏa thuận chia sẻ quyền lực.

“Afghanistan lâu nay có hệ thống lãnh đạo phi tập trung. Thỏa thuận mà người sẽ sắp trở thành tổng thống là ông Ghani và ông Abdullah Abdullah đã đạt được sẽ đưa vấn đề trách nhiệm của địa phương cũng như một phần của tiến trình thương thảo, vốn là một phần không nhỏ của chính trị Afghanistan, trở lại với hệ thống chính trị của nước này”.

Ông Blank nói rằng ông tin là thỏa thuận này sẽ xoa dịu căng thẳng sắc tộc tại Afghanistan.

“Nếu chỉ một ứng viên trở thành người chiến thắng, nắm giữ mọi quyền hành, và ứng viên khác thì trắng tay, thì điều đó sẽ dẫn tới căng thẳng trong nhiều nhóm sắc tộc khác ở Afghanistan, không chỉ có sự đối chọi giữa người Pashtun với người Tajik hay sự chia rẽ trong cộng đồng người Pashtun mà thực ra là trong mọi cộng đồng. Sự sắp xếp quyền lực này sẽ giúp cho mọi sự chia rẽ và xung khắc được giải quyết trong lãnh vực chính trị chứ không qua bạo lực.”

Ông Blank ca ngợi điều ông gọi là vai trò lãnh đạo và sự yêu nước của cả ông Abdullah và Ghani vì đã đạt được một thỏa thuận mà ông miêu tả là không những lý tưởng cho cả hai bên mà còn đúng đắn cho người dân Afghanistan.

Ông Nazif Shahrani, một giáo sư Đại học Indiana người gốc Afghanistan, nói rằng cũng có một số khía cạnh đáng lo ngại trong thỏa thuận chia quyền.

“Về cơ bản, nó không tôn trọng lá phiếu của người dân. Người dân đầy hứng khởi đã đi bỏ phiếu 6 tháng trước và họ cũng làm vậy trong cuộc bỏ phiếu vòng hai, và về cơ bản, cả hai đều gian lận vì điều mà chính phủ, những người thực hiện cuộc bầu cử và những người giám sát cuộc bầu cử đã làm, và rốt cuộc, họ thậm chí còn không thông báo tỷ lệ phần trăm phiếu đã giành được hoặc mất sau 6 tháng, cũng như sau khi để xảy ra cái giá quá lớn mà những người trả thuế của Mỹ phải gánh chịu và rốt cuộc đã trở nên vô nghĩa. Đó là một thỏa thuận giữa các nhóm có quyền thế, những người đã hiện diện trong chính phủ, những người đã là một phần của chính phủ trong 13 năm qua.”

Ông Shahrani bày tỏ lo ngại là hai ứng viên sẽ tiếp tục cho thấy sự mất lòng tin trong chính phủ như họ đã thể hiện trong tiến trình bầu cử.

“Nếu họ tin tưởng lẫn nhau thì tiến trình bầu cử sẽ không mất thời gian như thế này. Ta phải nhớ rằng Ngoại trưởng Kerry đã hai lần tới Kabul để làm trung gian cho thỏa thuận này, nhưng không thành công, và rồi đích thân Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phải can thiệp rồi cả đại diện thường trú của Liên Hiệp Quốc rồi cả đại sứ Mỹ nữa. Ai sẽ tham gia chính phủ liên hiệp vẫn còn là một vấn đề chưa rõ ràng. Họ sẽ được chỉ định như thế nào, ai chỉ định họ và họ sẽ phân chia các bộ được coi là chủ chốt hay các bộ kém chủ chốt như thế nào”.

Ông Shahrani nói rằng một kết quả tích cực từ tiến trình này là chức vụ tổng thống mà người giành chiến thắng sẽ đảm nhận, vốn được qui định trong hiến pháp Afghanistan, đã bị thách thức. Ông gọi thỏa thuận chia sẻ quyền lực là một giải pháp tạm thời, nhưng ông hy vọng rằng hội đồng bô lão Loya Jirga sẽ nhóm họp trong hai năm tới sẽ xử lý điều ông gọi là sự tập trung quyền lực quá độ vào chức vụ tổng thống.

Nhưng cả hai nhà phân tích này đều thừa nhận là đội ngũ lãnh đạo mới sẽ đối mặt với các thách thức vô cùng to lớn về kinh tế, an ninh và chính trị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG