Đường dẫn truy cập

Mỹ, Iran bước vào vòng đàm phán hạt nhân mới


Ngoại trưởng Mỹ phát biểu trong cuộc họp báo tại Sharm el-Sheikh, ngày 14/3/2015.
Ngoại trưởng Mỹ phát biểu trong cuộc họp báo tại Sharm el-Sheikh, ngày 14/3/2015.

Tòa Bạch Ốc muốn Quốc hội ngưng can thiệp vào các cuộc đàm phán với Iran về vấn đề hạt nhân.

Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc Dennis McDonough cảnh báo Quốc hội trong một công văn gởi đi vào chiều tối thứ Bảy rằng dự luật đang chờ cần được quốc hội thông qua đối với bất cứ thỏa thuận nào ký với Iran về khả năng hạt nhân của Iran có thể sẽ có một "ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng" trong các cuộc đàm phán.

Các giới chức Tòa Bạch Ốc nói rằng Tổng thống Obama sẽ phủ quyết dự luật được đề nghị này.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đến Thụy Sĩ hôm Chủ nhật để tham dự một vòng đàm phán mới với Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Jawad Zarif, trong nỗ lực đạt một thỏa thuận tạm với Iran về chương trình hạt nhân của Iran trước thời hạn chót vào ngày 31 tháng 3 này.

Phát biểu hôm thứ Bảy tại một hội nghị đầu tư quốc tế ở Ai Cập, ông Kerry nói "một số tiến bộ" đã đạt được trong các cuộc đàm phán, nhưng "vẫn còn những khoảng cách, những cách biệt quan trọng, và những lựa chọn quan trọng mà Iran cần phải quyết định, ngõ hầu tiến tới."

Ngoại trưởng Kerry nói rằng một trở ngại cho các cuộc đàm phán này có thể là lá thư công khai mà 47 thượng nghị sĩ Mỹ thuộc phe Cộng hòa gởi cho các nhà lãnh đạo Iran để cảnh báo là tổng thống kế tiếp của Mỹ có thể đảo ngược một thỏa thuận hạt nhân với Iran vào bất cứ lúc nào. Ông cho rằng lá thư đó là một “sự can thiệp trực tiếp,” và có thể gây phương hại cho khả năng đạt đến một thỏa thuận với Iran.

Khi được hỏi liệu liệu ông có xin lỗi về lá thư đó khi đàm phán với ông Zarif ở Lausanne hay không, Ngoại trưởng Kerry nói "Tôi không xin lỗi cho một hành động vi hiến, thiếu suy nghĩ của một ai đó mới ngồi ở Thượng viện Hoa Kỳ hơn 60 ngày." Ông nói: "Việc làm đó không đúng."

Hoa Kỳ và 5 cường quốc tham gia cuộc đàm phán với Iran ở Lausanne.

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ nói rằng Quốc hội không có quyền thay đổi một thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo của các nước.

Hoa Kỳ và các đối tác trong nhóm P5+1—Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức—có hạn chót là cuối tháng 3 để đạt được một thỏa thuận khung với Iran, theo đó nước này sẽ cắt giảm chương trình làm giàu uranium để đổi lấy việc gỡ bỏ các chế tài đã gây thiệt hại nền kinh tế Iran.

Đảng Cộng hòa chống lại thỏa thuận vì cho rằng Iran không thể tin cậy được.

Iran luôn luôn nói không có kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân, mà chương trình hạt nhân của họ phục vụ cho các mục đích dân sự.

VOA Express

XS
SM
MD
LG