Trong lúc cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân Iran được thực hiện lại ngày hôm nay ở Vienna, có tin cho hay chính quyền Obama chuẩn bị thực hiện những cuộc thảo luận trực tiếp với Tehran về cách chống lại cuộc tiến công của phe hiếu chiến của người Hồi giáo Sunni ở Iraq. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, một nhà lập pháp Mỹ cho rằng Washington cần làm việc với Iran trong lúc Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố Hoa Kỳ đang tiếp xúc với cộng đồng quốc tế, kể cả các nước láng giềng của Iraq.
Tờ Wall Street Journal cho biết chính quyền Obama đang chuẩn bị tiến hành những cuộc thảo luận trực tiếp với Iran về những cách thức để hai nước kình địch lâu năm này cùng nhau chống lại cuộc nổi dậy do phe Hồi giáo Sunni lãnh đạo ở Iraq. Bài báo nói rằng cuộc đối thoại giữa hai nước không có quan hệ ngoại giao từ hơn 30 năm nay dự kiến sẽ bắt đầu trong tuần này, ngay cả trong lúc Hoa Kỳ và các cường quốc khác trên thế giới tìm cách đạt được một thỏa thuận với Iran để hạn chế chương trình hạt nhân trước thời hạn chót là ngày 20 tháng 7.
Hôm thứ bảy, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng nước ông sẵn sàng giúp Iraq chiến đấu chống lại những phần tử hiếu chiến thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant, gọi tắt là ISIL hay ISIS. Ông Rouhani cũng để ngỏ khả năng hợp tác với Washington.
Cũng trong ngày thứ bảy, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói với Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari rằng Washington cam kết hỗ trợ Iraq và cho biết Hoa Kỳ đang thảo luận với cộng đồng quốc tế và các lân bang của Iraq về việc cần phải giúp đỡ Iraq.
Một ngày trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Marie Harf khẳng định Washington không nói chuyện với Iran về vấn đề Iraq.
"Những điều mà chúng tôi đã nói là tất cả các lân bang của Iraq, kể cả Iran, không được làm những việc khiến cho tình hình bất ổn thêm nữa, không nên tìm cách khích động căng thẳng giáo phái. Trọng tâm của chúng tôi là Iraq là một nước có chủ quyền. Họ thực hiện những quyết định thận trọng về những cách thức để ứng phó với vụ khủng hoảng mà họ đang trải qua vào lúc này."
Bà Harf không thể xác nhận những tin tức nói rằng các lực lượng Iran đang có mặt ở Iraq.
Khi xuất hiện trên chương trình Face the Nation của đài truyền hình CBS hôm chủ nhật, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, thuộc đảng Cộng hòa, bày tỏ hậu thuẫn cho việc đối thoại với Iran.
"Chúng ta phải làm sao để cho Baghdad không bị thất thủ. Do đó, chúng ta cần có một cuộc đối thoại nào đó với người Iran, nhưng chúng ta cũng phải cảnh báo họ là không được lợi dụng vụ khủng hoảng này để thiết lập một nhà nước bù nhìn."
Tuy nhiên, Dân biểu Mike Rogers cho biết trong chương trình Tin tức Chủ nhật của Đài truyền hình Fox rằng một cuộc đối thoại song phương như vậy sẽ là một sự sai lầm. Ông cho rằng giới lãnh đạo Mỹ sẽ gặp thất bại nếu không yêu cầu Liên đoàn Ả Rập ứng phó với mối đe dọa của các phần tử hiếu chiến ở Iraq.
Tờ Wall Street Journal cho biết chiến dịch của Mỹ ở Iraq nếu bị xem là đồng minh với Iran và khối người Shia đa số ở Iraq có thể làm cho Iraq bị phân hóa thêm nữa và có thể gây ra những sự bất bình cho những nước mà người Hồi giáo Sunni chiếm đa số như Jordan, Ả rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Amin Saikal, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ả Rập và Hồi giáo của Đại học Quốc gia Australia, cho rằng thảo luận trực tiếp giữa Washington với Tehran không tạo ra nhiều rủi ro.
"Giờ đây Mỹ và Iran có chung quyền lợi trong khu vực. Cả hai đều không muốn những phần tử cực đoan giành được phần thắng ở Iraq hay ở Syria. Tuy Hoa Kỳ chống đối chế độ ở Syria một cách kịch liệt nhưng họ cũng chống lại việc các phần tử Hồi giáo hiếu chiến chiếm cứ Syria. Trong khi đó, Iran có ảnh hưởng rất mạnh ở cả Iraq và Syria và có thể giúp Hoa Kỳ ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cực đoan trong khu vực."
Về cuộc đàm phán hạt nhân, ông Saikal cho biết hàng ngũ lãnh đạo Iran đang có một sự đồng thuận về việc đạt được một thỏa thuận toàn diện ngõ hầu các biện pháp chế tài có thể được hủy bỏ để kinh tế Iran phát triển.
Tờ Wall Street Journal cho biết chính quyền Obama đang chuẩn bị tiến hành những cuộc thảo luận trực tiếp với Iran về những cách thức để hai nước kình địch lâu năm này cùng nhau chống lại cuộc nổi dậy do phe Hồi giáo Sunni lãnh đạo ở Iraq. Bài báo nói rằng cuộc đối thoại giữa hai nước không có quan hệ ngoại giao từ hơn 30 năm nay dự kiến sẽ bắt đầu trong tuần này, ngay cả trong lúc Hoa Kỳ và các cường quốc khác trên thế giới tìm cách đạt được một thỏa thuận với Iran để hạn chế chương trình hạt nhân trước thời hạn chót là ngày 20 tháng 7.
Hôm thứ bảy, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng nước ông sẵn sàng giúp Iraq chiến đấu chống lại những phần tử hiếu chiến thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant, gọi tắt là ISIL hay ISIS. Ông Rouhani cũng để ngỏ khả năng hợp tác với Washington.
Cũng trong ngày thứ bảy, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói với Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari rằng Washington cam kết hỗ trợ Iraq và cho biết Hoa Kỳ đang thảo luận với cộng đồng quốc tế và các lân bang của Iraq về việc cần phải giúp đỡ Iraq.
Một ngày trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Marie Harf khẳng định Washington không nói chuyện với Iran về vấn đề Iraq.
"Những điều mà chúng tôi đã nói là tất cả các lân bang của Iraq, kể cả Iran, không được làm những việc khiến cho tình hình bất ổn thêm nữa, không nên tìm cách khích động căng thẳng giáo phái. Trọng tâm của chúng tôi là Iraq là một nước có chủ quyền. Họ thực hiện những quyết định thận trọng về những cách thức để ứng phó với vụ khủng hoảng mà họ đang trải qua vào lúc này."
Bà Harf không thể xác nhận những tin tức nói rằng các lực lượng Iran đang có mặt ở Iraq.
Khi xuất hiện trên chương trình Face the Nation của đài truyền hình CBS hôm chủ nhật, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, thuộc đảng Cộng hòa, bày tỏ hậu thuẫn cho việc đối thoại với Iran.
"Chúng ta phải làm sao để cho Baghdad không bị thất thủ. Do đó, chúng ta cần có một cuộc đối thoại nào đó với người Iran, nhưng chúng ta cũng phải cảnh báo họ là không được lợi dụng vụ khủng hoảng này để thiết lập một nhà nước bù nhìn."
Tuy nhiên, Dân biểu Mike Rogers cho biết trong chương trình Tin tức Chủ nhật của Đài truyền hình Fox rằng một cuộc đối thoại song phương như vậy sẽ là một sự sai lầm. Ông cho rằng giới lãnh đạo Mỹ sẽ gặp thất bại nếu không yêu cầu Liên đoàn Ả Rập ứng phó với mối đe dọa của các phần tử hiếu chiến ở Iraq.
Tờ Wall Street Journal cho biết chiến dịch của Mỹ ở Iraq nếu bị xem là đồng minh với Iran và khối người Shia đa số ở Iraq có thể làm cho Iraq bị phân hóa thêm nữa và có thể gây ra những sự bất bình cho những nước mà người Hồi giáo Sunni chiếm đa số như Jordan, Ả rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Amin Saikal, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ả Rập và Hồi giáo của Đại học Quốc gia Australia, cho rằng thảo luận trực tiếp giữa Washington với Tehran không tạo ra nhiều rủi ro.
"Giờ đây Mỹ và Iran có chung quyền lợi trong khu vực. Cả hai đều không muốn những phần tử cực đoan giành được phần thắng ở Iraq hay ở Syria. Tuy Hoa Kỳ chống đối chế độ ở Syria một cách kịch liệt nhưng họ cũng chống lại việc các phần tử Hồi giáo hiếu chiến chiếm cứ Syria. Trong khi đó, Iran có ảnh hưởng rất mạnh ở cả Iraq và Syria và có thể giúp Hoa Kỳ ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cực đoan trong khu vực."
Về cuộc đàm phán hạt nhân, ông Saikal cho biết hàng ngũ lãnh đạo Iran đang có một sự đồng thuận về việc đạt được một thỏa thuận toàn diện ngõ hầu các biện pháp chế tài có thể được hủy bỏ để kinh tế Iran phát triển.