Thái Lan sẽ hưởng lợi từ việc Mỹ đa dạng hóa chuỗi sản xuất chất bán dẫn, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết hôm 13/3. Bà cũng nói thêm rằng các công ty Mỹ đã sẵn sàng đầu tư ồ ạt vào quốc gia đông nam Á này.
Công nghiệp điện và điện tử là một trong những ngành thu hút đầu tư nước ngoài chính của Thái Lan, và là một lĩnh vực quan trọng mà chính phủ của Thủ tướng Srettha Thavisin đang tìm cách mở rộng khi ông đang tìm cách khởi động nền kinh tế chậm chạp của Thái Lan.
“Sản xuất chất bán dẫn tập trung một cách nguy hiểm ở chỉ một hoặc hai nước trên thế giới,” bà Raimondo phát biểu tại một sự kiện ở Bangkok và nêu rõ rằng Mỹ sẽ tìm cách thúc đẩy đầu tư thêm vào các nước thuộc Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) khi Mỹ tìm cách cách đa dạng hóa sản xuất chất bán dẫn.
Khối IPEF do Mỹ đứng đầu, một phần là để đem đến cho các nước trong khu vực giải pháp thay thế cho quan hệ gần hơn với Trung Quốc, bao gồm 14 nước, trong đó có Thái Lan.
“Do đó tất cả chúng ta đều cùng nhau hướng đến mục tiêu này. Việc dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất chất bán dẫn làm lợi cho tất cả các nước, Mỹ, Thái Lan, tất cả các quốc gia IPEF,” bà Raimondo nói. Bà sẽ có cuộc thảo luận với Thủ tướng Thavisin.
Ngành công nghiệp bán dẫn của Thái Lan, vốn nằm trong tay các công ty Mỹ, Nhật, Hàn và Hà Lan, chủ yếu tập trung vào giai đoạn cuối trong quy trình sản xuất, đặt nước này cùng chiếu với Việt Nam và Ấn Độ, theo báo cáo của Siam Commercial Bank hồi năm 2023.
“Tình hình thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn bị ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị, đã thu hút các hãng xưởng di dời cơ sở sản xuất chất bán dẫn sang Thái Lan,” báo cáo trên cho biết.
Hội đồng Đầu tư Thái Lan cũng đang đưa ra các ưu đãi, chẳng hạn như giảm thuế và miễn thuế, để thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn.
“Khi các công ty đa quốc gia của Mỹ muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Thái Lan ngày càng là nơi đứng đầu danh sách,” bà Raimondo nói.
Diễn đàn