Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ gặp các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản vào ngày 15/11 để đưa ra phản ứng "phối hợp" đối với việc Triều Tiên triển khai hàng nghìn quân lính sang Nga để hỗ trợ cuộc chiến của Moscow xâm lược Ukraine và về mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng nói chung, bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương tại Lima, Peru.
Việc triển khai quân đội của Bình Nhưỡng là một "diễn biến đáng kể", cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói với các phóng viên trên chuyến bay Air Force One trên đường đến Lima hôm 14/11.
"Chúng tôi sẽ xử lý vấn đề này một cách nghiêm túc ở mức độ mà nó đáng được xử lý", ông nói.
Ông Sullivan cho biết hội nghị thượng đỉnh ba bên sẽ cho phép các nhà lãnh đạo chuẩn bị cho bất kỳ động thái "khiêu khích" tiềm tàng nào từ Bình Nhưỡng, bao gồm thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo, trong lúc Hoa Kỳ chuẩn bị cho sự thay đổi chính quyền khi Donald Trump nhậm chức vào tháng 1.
"Các giai đoạn chuyển tiếp trước đây luôn là lúc CHDCND Triều Tiên thực hiện các hành động khiêu khích", ông Sullivan cho biết. Hoa Kỳ có chính sách "răn đe mở rộng" nhằm ngăn chặn các đối thủ tấn công các đồng minh, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản. Chính sách này nêu rõ rằng Washington sẽ hỗ trợ họ nếu họ bị tấn công, có khả năng bao gồm cả việc sử dụng năng lực hạt nhân của Mỹ.
Ông Sullivan nói rằng sẽ không có thông báo cụ thể nào về việc răn đe mở rộng được công bố ở cấp độ ba bên tại Lima. Tuy nhiên, cuộc họp ba bên sẽ là cơ hội để "đảm bảo rằng mỗi cuộc đối thoại song phương này đang củng cố lẫn nhau và không có khoảng cách hay đường phân giới nào giữa chúng".
Các nhà lãnh đạo chuẩn bị công bố thành lập một ban thư ký ba bên như một phần trong nỗ lực "thể chế hóa" hợp tác ba bên, được bắt đầu bằng một loạt các cuộc đối thoại của các nhà lãnh đạo về an ninh kinh tế, chia sẻ thông tin tình báo và phối hợp chính sách quốc phòng. Các cuộc đối thoại của các nhà lãnh đạo ba bên được khởi sự vào tháng 5/2023 bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản, và sau đó là tại Trại David vào tháng 8 cùng năm.
Nỗ lực ba bên là một trong những sáng kiến an ninh khu vực đặc trưng của ông Biden nhằm thúc đẩy Seoul và Tokyo vượt qua nhiều năm thù địch cũng như cùng nhau ngăn chặn các đối thủ chung là Triều Tiên và Trung Quốc.
Ông Sullivan còn cho biết rằng các nhà lãnh đạo cũng chuẩn bị tăng cường các cuộc tập trận ba bên.
"Chúng tôi đã đạt được tiến bộ về bảo vệ công nghệ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, cảnh báo tên lửa và chia sẻ dữ liệu liên quan đến [cảnh báo tên lửa] trong tất cả các lĩnh vực đó", ông nói. “Chúng tôi dự kiến sẽ có những bước tiến xa hơn vào ngày mai.”
Quân đội Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận chung hôm 14/11 tại vùng biển phía nam bán đảo Triều Tiên và phía tây Nhật Bản. Đây là cuộc tập trận chung cuối cùng dưới thời chính quyền Biden.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã ủng hộ mối quan hệ thân thiện hơn với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và gây sức ép buộc Tokyo và Seoul phải chia sẻ gánh nặng quốc phòng lớn hơn với Hoa Kỳ.
Một ngày trước khi ông Trump tái đắc cử, Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã hoàn tất một thỏa thuận mới để Seoul chi 1,19 tỷ USD vào năm 2026 để hỗ trợ quân đội Hoa Kỳ, tăng 8,3% so với năm trước.
Diễn đàn