Mỹ lên kế hoạch áp đặt thêm các lệnh trừng phạt trong tuần này để cắt đứt nguồn tài chính của chính quyền quân sự Myanmar, theo các nguồn thạo tin về vấn đề này và các hãng tin Thái Lan.
Các bản tin của Thái Lan, được đăng tải hôm 20/6, cho biết Washington sẽ công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Ngân hàng Ngoại thương Myanmar và Ngân hàng Đầu tư và Thương mại Myanmar sớm nhất là ngày 21/6.
Hai người nắm rõ vấn đề nói với Reuters rằng tin tức này là xác thực. Đại sứ quán Mỹ tại Thái Lan nói trong một tuyên bố rằng Mỹ ‘tiếp tục tìm các phương cách - bao gồm nỗ lực chặn nguồn thu của chế độ - để buộc chế độ phải chịu trách nhiệm về đảo chính và bạo lực đi kèm’.
“Mục tiêu của chúng tôi trong các biện pháp này là hạn chế chế độ này tiếp cận đồng đô la Mỹ và khiến họ phải trả giá khi mà họ tiếp tục có các hành vi bạo lực tàn khốc”.
Một phát ngôn nhân của chính quyền quân sự Myanmar cho biết họ không lo về bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào.
Ông Zaw Min Tun nói với đài truyền hình nhà nước MWD vào tối ngày 20/6 rằng nước này đã trải qua các lệnh trừng phạt trước đây và họ sẽ không bị thiệt hại nếu có thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào các ngân hàng nhà nước Myanmar.
Ông nói rằng Mỹ ‘làm việc này chỉ để gây khó khăn kinh tế và chính trị’.
“Những việc như thế này làm trì hoãn không cần thiết trong khi chúng tôi đang tiến tới chế độ dân chủ đa đảng”.
Một trong những bản tin của truyền thông Thái Lan, do Bangkok Business News đăng tải, trích dẫn các nguồn tin Thái Lan nói rằng các biện pháp trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến Thái Lan và các nước khác trong khu vực về mặt tài chính vì mối liên hệ với các ngân hàng địa phương.
Đại sứ quán Mỹ cho biết họ đã có các cuộc trao đổi thường xuyên với chính phủ Thái Lan về Myanmar, bao gồm cả việc làm thế nào ‘giảm thiểu tác động tiềm tàng của bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với Thái Lan hoặc các nước khác’.
Các nước láng giềng của Myanmar ở Đông Nam Á phải xem xét áp đặt các biện pháp để buộc lãnh đạo quân sự Myanmar họ phải chịu hậu quả cho hành động của họ, một chuyên gia của Liên Hợp Quốc nói hôm 21/6. Chuyên gia này cũng nói rằng khối này đang ‘bế tắc’ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Myanmar.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tình hình nhân quyền ở Myanmar, ông Thomas Andrews, nói rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phải tránh gặp gỡ, họp hành với các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar vì chưa hề có tiến triển nào trong việc thực thi kế hoạch hòa bình 5 điểm mà ASEAN đã nhất trí với tập đoàn quân sự sau khi họ lên nắm quyền trong cuộc đảo chính hồi năm 2021.
“Đã đến lúc xem xét các lựa chọn thay thế để phá vỡ thế bế tắc tai hại này”, ông Andrews phát biểu tại một cuộc họp báo ở Jakarta.
Diễn đàn