Hoa Kỳ đang thăm dò ý kiến với các đồng minh thân cận về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Trung Quốc nếu Bắc Kinh hỗ trợ quân sự cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, Reuters dẫn nguồn tin từ bốn quan chức Hoa Kỳ và các nguồn tin khác cho biết hôm 1/3.
Các cuộc tham vấn, vẫn đang ở giai đoạn sơ bộ, nhằm thu hút sự hỗ trợ từ nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước trong nhóm G-7, để phối hợp hỗ trợ đối với bất kỳ chế tài nào có thể có.
Hiện chưa rõ Washington sẽ đề xuất những biện pháp trừng phạt cụ thể nào. Các cuộc hội thoại chưa từng được tiết lộ trước đây.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ, cơ quan dẫn đầu về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt, từ chối bình luận.
Washington và các đồng minh của họ cho biết trong những tuần gần đây rằng Trung Quốc đang xem xét cung cấp vũ khí cho Nga, điều mà Bắc Kinh phủ nhận. Các trợ lý của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chưa công khai cung cấp bằng chứng.
Mỹ cũng trực tiếp cảnh báo Trung Quốc không làm như vậy, kể cả trong các cuộc gặp giữa ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như trong cuộc gặp trực tiếp ngày 18/2 giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị bên lề một hội nghị thượng đỉnh về an ninh toàn cầu tại Munich.
Các bước ban đầu của chính quyền Biden nhằm chống lại sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga bao gồm việc tiếp cận không chính thức ở các cấp nhân viên và ngoại giao, bao gồm cả Bộ Tài chính, các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết.
Các nguồn tin cho biết các quan chức đang đặt nền móng cho hành động tiềm năng chống lại Bắc Kinh với nhóm cốt lõi là các quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất cho các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga sau cuộc xâm lược Ukraine một năm trước.
Khi được hỏi về các cuộc tham vấn này, một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết cuộc chiến của Nga đã gây khó khăn cho Trung Quốc với châu Âu và các nước khác.
Người phát ngôn nói: “Đó là một sự phân tâm đối với Trung Quốc và có thể là một đòn giáng mạnh vào các mối quan hệ quốc tế của họ mà họ không cần và không nên muốn”.
Thông tin tình báo
Một quan chức từ một quốc gia được Washington tham vấn nói rằng họ chỉ thấy rất ít thông tin tình báo ủng hộ các tuyên bố về việc Trung Quốc đang cân nhắc khả năng hỗ trợ quân sự cho Nga. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ cho biết họ đang cung cấp các thông tin tình báo cho các đồng minh.
Vai trò của Trung Quốc trong cuộc chiến Nga-Ukraine dự kiến sẽ là một trong những chủ đề khi ông Biden gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng vào thứ Sáu (3/3). Trước đó tại New Delhi vào hôm 1/3 và 2/3, các ngoại trưởng từ hàng chục quốc gia, bao gồm Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng đã thảo luận về cuộc chiến Ukraine.
Hồi tuần trước, Trung Quốc đưa ra một văn bản gồm 12 điểm kêu gọi ngừng bắn toàn diện, vấp phải sự hoài nghi ở phương Tây.
Các nguồn tin cho biết việc tiếp cận ban đầu của Washington về các biện pháp trừng phạt vẫn chưa dẫn đến sự đồng thuận rộng rãi về bất kỳ biện pháp cụ thể nào.
Một nguồn tin cho biết chính quyền Mỹ trước tiên muốn nêu ý tưởng về các biện pháp trừng phạt phối hợp và “bắt nhịp” trong trường hợp phát hiện bất kỳ chuyến hàng nào đến Nga từ Trung Quốc, quốc gia đã tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” ngay trước cuộc xâm lược vào ngày 24/2 năm ngoái
Một nguồn tin thứ hai cho biết: “Về nhóm G-7, tôi nghĩ rằng đã có nhận thức thực sự”, nhưng nói thêm rằng các biện pháp chi tiết tập trung vào Trung Quốc vẫn chưa được đưa ra.
Cuộc xung đột Ukraine đã chuyển thành cuộc chiến có chiều hướng lún sâu. Với việc Nga sắp hết đạn dược, Ukraine và những nước ủng hộ lo ngại rằng nguồn cung cấp từ Trung Quốc có thể khiến cuộc xung đột nghiêng về phía có lợi cho Nga.
Là một phần của nỗ lực ngoại giao có liên quan, Washington đã giành được tiếng nói trong một tuyên bố của G-7 vào ngày 24/2 nhân dịp đánh dấu cuộc chiến tròn một năm, kêu gọi “các nước thứ ba” hãy “ngừng hỗ trợ vật chất cho cuộc chiến của Nga, nếu không sẽ phải trả giá đắt”.
Mặc dù tuyên bố không đề cập đến tên Trung Quốc, Hoa Kỳ áp đặt các hình phạt mới đối với những người và công ty bị cáo buộc giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm hạn chế xuất khẩu đối với các công ty ở Trung Quốc và các nơi khác sẽ ngăn họ mua các mặt hàng, chẳng hạn như chất bán dẫn.
Ông Daniel Kritenbrink, nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ tại Đông Á, nói với Quốc hội trong tuần này: “Chúng tôi đã cố gắng thể hiện rất rõ ràng, cả khi tiếp xúc riêng ở Munich và sau đó là công khai về mối quan ngại của chúng tôi”.
“Chúng tôi đã nói về những tác động và hậu quả nếu họ làm như vậy. Và chúng tôi cũng biết rằng nhiều đối tác cùng chí hướng của chúng tôi chia sẻ những lo ngại đó”.
Trong số những thách thức mà Hoa Kỳ phải đối mặt khi áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là sự hội nhập sâu rộng của nước này vào các nền kinh tế lớn của châu Âu và châu Á, làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán. Các đồng minh của Hoa Kỳ từ Đức đến Hàn Quốc đều không muốn xa lánh Trung Quốc.
Diễn đàn