Đường dẫn truy cập

Mỹ-Trung mở đối thoại cấp cao hàng năm


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu trong phiên họp với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Bắc Kinh, ngày 6/6/2016.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu trong phiên họp với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Bắc Kinh, ngày 6/6/2016.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho biết Washington đang thúc giục Trung Quốc và các lân bang vùng Á châu Thái Bình Dương “tìm kiếm một giải pháp ngoại giao” cho những vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Theo tường thuật của các thông tín viên đài VOA tại Washington và Bắc Kinh, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết như vậy ngày hôm nay tại Bắc Kinh vào lúc khai mạc cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ 8.

Phát biểu ngày hôm nay của Ngoại trưởng Kerry phản ánh mối lo ngại mỗi lúc một tăng trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương về những hành động hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh không ngớt xây dựng các cơ sở quân sự trên những hòn đảo mà nhiều quốc gia Đông Nam Á, kể cả Việt Nam và Philippines, cũng có yêu sách chủ quyền.

“Chúng tôi không phải là nước đòi chủ quyền, cũng không đứng về phía bên nào trong những quốc gia đòi chủ quyền. Quan điểm duy nhất của chúng tôi là không nên giải quyết việc này bằng hành động đơn phương. Hãy giải quyết thông qua luật pháp, ngoại giao và thương lượng. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước hãy tìm giải pháp ngoại giao theo tiêu chuẩn và pháp luật quốc tế”.

Khoảng 5.000 tỉ đô la hàng hoá mỗi năm được vận chuyển qua Biển Đông, nơi mà nhiều người tin là có những trữ lượng lớn dầu lửa và khí đốt.
Các nhà quan sát quan sát cho biết Trung Quốc đang xem xét tới việc thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, đòi hỏi tất cả các máy bay bay vào khu vực này phải thông báo với giới hữu trách Trung Quốc. Trong lúc ghé thăm Mông Cổ hôm chủ nhật, Ngoại trưởng Kerry nói rằng nếu Trung Quốc làm như vậy thì đó là “một hành động gây hấn và gây bất ổn.”

Trong khi đó, tân Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, ông Phùng Thế Khoan, hôm nay nói với quốc hội ở Đài Bắc rằng đảo quốc này sẽ không công nhận vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc. Ông cảnh báo rằng hành động của Bắc Kinh sẽ tạo ra một làn sóng căng thẳng mới trong khu vực.

Ông Ankit Panda, phó biên tập của tạp chí The Diplomat, cho đài VOA biết rằng căng thẳng ở Biển Đông sẽ tiếp tục, dựa trên những gì mà ông nhìn thấy tại cuộc đối thoại an ninh vừa kết thúc ở Singapore.

“Trung Quốc không thực sự cho thấy họ sẵn sàng tham gia vào cuộc đối thoại tại Shangri La. Chúng ta thấy là Đô đốc Tô Kiến Quốc gần đây đã lặp lại quan điểm lâu nay của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là họ không ngại rắc rối. Điều thú vị là ông ấy đã dùng những lời lẽ cứng rắn để nói Philippines chính là kẻ xâm chiếm đầu tiên”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew tại Bắc Kinh, ngày 6/6/2016.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew tại Bắc Kinh, ngày 6/6/2016.

Tại Bắc Kinh ngày hôm nay, Ngoại trưởng Kerry đã nói tới điều ông gọi là “những dấu mốc mới trong sự hợp tác” giữa Bắc Kinh và Washington đối với nhiều vấn đề, kể cả biến đổi khí hậu, các tình huống khẩn cấp y tế toàn cầu và ngăn chận nạn phổ biến vũ khí hạt nhân, trong đó có việc siết chặt chế tài đối với Bắc Triều Tiên vì chương trình hạt nhân của họ.

Trong diễn văn khai mạc hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói có một việc vô cùng quan trọng là hai nước xử lý những sự bất đồng với một cách thức mà ông gọi là “thực tế và xây dựng”.

Trong khi Ngoại trưởng Kerry và Chủ tịch Tập Cận Bình tập trung vào chính sách đối ngoại, Bộ trưởng Tài chánh Mỹ Jack Lew kêu gọi Bắc Kinh giảm thiểu sản lượng công nghiệp dư thừa, nhất là thép và nhôm, mà ông cho là có tác động tiêu cực đối với các thị trường toàn cầu.

“Sản lượng dư thừa phá hoại kinh tế toàn cầu. Các chính sách thực thi phải giảm thiểu sản lượng sản phẩm trên những lĩnh vực sản xuất dư thừa, bao gồm cả thép và nhôm. Điều này rất quan trọng cho sự vận hành và sự ổn định của các thị trường quốc tế.”

Bộ trưởng Jack Lew cũng ca ngợi điều ông gọi là “sự hợp tác rất mạnh mẽ” giữa hai nước để ứng phó với nạn biến đổi khí hậu.

Trong số nhiều vấn đề ngoại giao và kinh tế mà hai nước sẽ thảo luận trong hội nghị hai ngày này là vấn đề an ninh mạng. Ông Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama năm ngoái đồng ý với nhau là chính phủ hai nước sẽ không thực hiện hoặc hỗ trợ cho những hoạt động gián điệp mạng để mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp của nước mình.

Một cuộc nghiên cứu của Viện Ponemon năm ngoái đã đo lường những ảnh hưởng của tội phạm mạng đối với hơn 250 tổ chức, và phát giác rằng chi phí bình quân hàng năm mà mỗi tổ chức phải chi tiêu để ứng phó với tội phạm mạng là hơn 7 triệu đô la.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG