Trung Quốc có thể đã bí mật kích hoạt các vụ nổ thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất ở mức độ thấp dù tuyên bố tuân thủ một hiệp ước quốc tế cấm các vụ nổ như vậy, Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một báo cáo hôm 15/4.
Phát hiện này, được báo The Wall Street Journal đưa tin đầu tiên, có thể làm xấu đi mối quan hệ vốn đã bị căng thẳng bởi các cáo buộc của Mỹ rằng đại dịch COVID-19 toàn cầu là kết quả của việc Bắc Kinh xử lí sai trái đợt bùng phát virus corona vào năm 2019 tại thành phố Vũ Hán.
Lo ngại của Mỹ về việc Bắc Kinh có thể vi phạm tiêu chuẩn "năng suất zero" đối với các vụ nổ thử nghiệm xuất phát từ các hoạt động tại địa điểm thử hạt nhân Lop Nur của Trung Quốc trong suốt năm 2019, Bộ Ngoại giao nói.
Năng suất zero nghĩa là một vụ thử hạt nhân mà trong đó không có phản ứng nổ dây chuyền theo kiểu được kích hoạt bởi việc kích nổ đầu đạn hạt nhân.
"Việc Trung Quốc có thể đang chuẩn bị vận hành khu thử nghiệm Lop Nur quanh năm, việc nước này sử dụng buồng kìm hãm nổ, hoạt động khai quật rộng lớn tại Lop Nur và sự thiếu minh bạch trong các hoạt động thử nghiệm hạt nhân của mình ... làm gia tăng lo ngại về việc nước này tuân thủ tiêu chuẩn năng suất zero," báo cáo nói mà không cung cấp bằng chứng về một vụ thử nghiệm năng suất thấp.
Sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh bao gồm việc chặn truyền dữ liệu từ các cảm biến được liên kết với một trung tâm giám sát do cơ quan quốc tế vận hành nhằm xác minh việc tuân thủ một hiệp ước cấm các vụ nổ thử nghiệm hạt nhân.
Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Toàn diện năm 1996 (CTBT) cho phép các hoạt động được thiết kế để đảm bảo sự an toàn của vũ khí hạt nhân.
Người phát ngôn của Tổ chức Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Toàn diện, cơ quan xác minh việc tuân thủ hiệp ước này, nói với tờ The Wall Street Journal rằng không có sự gián đoạn nào trong việc truyền dữ liệu từ năm trạm cảm biến của Trung Quốc kể từ cuối tháng 8 năm 2019 sau khi có một sự gián đoạn bắt đầu vào năm 2018.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận, Reuters cho biết.
Nga, Pháp và Anh - ba trong số năm cường quốc hạt nhân được quốc tế công nhận - đã kí và phê chuẩn Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Toàn diện, vốn vẫn cần 44 quốc gia phê chuẩn để trở thành luật quốc tế.
Trung Quốc và Mỹ nằm trong số tám bên kí kết nhưng chưa phê chuẩn. Nhưng Trung Quốc đã tuyên bố tuân thủ các điều khoản của mình, trong khi Mỹ vẫn chấp hành một lệnh cấm thử nghiệm đơn phương kể từ năm 1992.