Đường dẫn truy cập

12 sĩ quan Nga bị cáo buộc tấn công tin tặc phe Dân chủ năm 2016


Phó Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein phát biểu trong cuộc họp báo tại Bộ Tư pháp, ngày 13 tháng 7, 2018, ở Washington.
Phó Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein phát biểu trong cuộc họp báo tại Bộ Tư pháp, ngày 13 tháng 7, 2018, ở Washington.

12 sĩ quan tình báo quân sự Nga đã tấn công tin tặc chiến dịch tranh cử tổng thống của Hillary Clinton và Đảng Dân chủ, công bố hàng chục ngàn trao đổi liên lạc bị đánh cắp, trong một nỗ lực sâu rộng của một chính phủ nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ, theo một cáo trạng của đại bồi thẩm đoàn được loan báo vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh của Tổng thống Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bản cáo trạng này trình bày những cáo buộc rõ ràng nhất tính tới thời điểm này của Bộ Tư pháp về những nỗ lực can thiệp bầu cử của Nga, thông qua hoạt động xâm nhập tin tặc bất hợp pháp, trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trước khi người Mỹ đi bỏ phiếu - và là những cáo buộc đầu tiên qui trách trực tiếp chính phủ Nga. Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller trước đó đã yêu cầu đại bồi thẩm đoàn đưa ra cáo trạng này.

Các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận rằng sự can thiệp đó nhằm mục đích giúp đỡ ban vận động tranh cử Trump và gây tổn hại cho nỗ lực tranh cử của đối thủ Đảng Dân chủ của ông, Hillary Clinton. Nỗ lực này cũng bao gồm các quảng cáo Facebook giả mạo và những bài đăng trên mạng xã hội mà các công tố viên nói là nhằm gây ảnh hưởng công luận và gieo rắc bất hòa về các vấn đề xã hội nóng bỏng.

Bản cáo trạng vạch rõ một nỗ lực sâu rộng bắt đầu từ tháng 3 năm 2016 nhằm đột nhập các tài khoản email quan trọng của phe Dân chủ, chẳng hạn như các tài khoản thuộc Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc, ban vận động Clinton và Ủy ban Tranh cử Quốc hội Dân chủ. Trong số những người bị nhắm mục tiêu là John Podesta, chủ tịch ban vận động Clinton.

Điện Kremlin một lần nữa phủ nhận họ tìm cách xoay chuyển cuộc bầu cử. “Nhà nước Nga chưa bao giờ can thiệp và không có ý định can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ,” cố vấn ngoại giao của ông Putin, Yuri Ushakov, nói hôm thứ Sáu, theo AP.

Nhưng bản cáo trạng xác định những bị cáo là các sĩ quan thuộc Tổng cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga, còn được gọi là GRU. Bản cáo trạng cáo buộc những người này theo dõi bí mật các máy tính của hàng chục quan chức và tình nguyện viên Đảng Dân chủ, cài những mã máy tính độc hại được gọi là malware và sử dụng những email lừa đảo (spearphishing) để chiếm quyền kiểm soát tài khoản của những người liên hệ với ban vận động Clinton.

Vào tháng 6 năm 2016, các bị cáo bắt đầu lên kế hoạch phát tán hàng chục ngàn email và tài liệu đánh cắp, bản cáo trạng cáo buộc. Các thông điệp được phát hành thông qua các nhân vật hư cấu như DCLeaks và Guccifer 2.0.

Các cáo buộc được đưa ra trong lúc ông Mueller tiếp tục điều tra sự thông đồng khả dĩ giữa Nga và ban vận động Trump nhằm ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống. Bản cáo trạng không cáo buộc các cộng sự ban vận động Trump đã tham gia vào các nỗ lực tấn công hoặc bất kỳ người Mỹ nào cố tình liên lạc với các sĩ quan tình báo Nga.

Bản cáo trạng cũng không cáo buộc bất kỳ lá phiếu nào đã bị thay đổi do hoạt động xâm nhập tin tặc.

Tuy nhiên, Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein nói trong cuộc họp báo loan báo cáo trạng rằng Internet “cho phép các đối thủ nước ngoài tấn công người Mỹ bằng những cách mới và bất ngờ. Các cuộc bầu cử tự do và công bằng khó khăn lắm mới tiến hành được và gây ra nhiều tranh cãi và sẽ luôn có những đối thủ nỗ lực làm trầm trọng hơn những khác biệt bên trong nước và tìm cách làm chúng ta lẫn lộn và chia để trị chúng ta.”

Trước ngày thứ Sáu, 20 người và ba công ty đã bị buộc tội trong cuộc điều tra của ông Mueller. 20 người là bốn cựu trợ lý ban vận động Trump và trợ lý Nhà Trắng, ba trong số này đã tuyên phạm các tội khác nhau và đồng ý hợp tác, và 13 người Nga đã bị buộc tội tham gia vào một chiến dịch bí mật nhưng có quy mô lớn trên mạng xã hội nhằm ảnh hưởng công luận ở Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2016.

Vài giờ trước khi Bộ Tư pháp công bố cáo trạng, ông Trump lại than phiền rằng cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt đang làm phức tạp thêm những nỗ lực của ông nhằm tạo dựng một mối quan hệ làm việc tốt hơn với Nga. Ông Trump và Putin dự kiến sẽ tổ chức các cuộc hội đàm hôm thứ Hai tại Phần Lan, một cuộc gặp gỡ mà chủ yếu được ông Trump tìm kiếm.

Sau khi bản cáo trạng được công bố, thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Chuck Schumer đã kêu gọi ông Trump hủy cuộc gặp với ông Putin cho đến khi Nga thực hiện các bước để chứng minh họ sẽ không can thiệp vào các cuộc bầu cử trong tương lai. Ông nói rằng bản cáo trạng là "bằng chứng thêm nữa về những gì mà tất cả mọi người ngoại trừ tổng thống dường như hiểu được: Tổng thống Putin là một đối thủ can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta để giúp Tổng thống Trump giành chiến thắng."

VOA Express

XS
SM
MD
LG