Hai vị đặc sứ Mỹ đang có mặt tại vùng Đông Bắc Á trong tuần này để tham khảo ý kiến với các nước đồng minh về cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên đang bị bế tắc. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA tại Seoul, trong lúc tiếp tục tranh thủ sự hậu thuẫn của các nước trong khu vực đối với việc duy trì các biện pháp chế tài Bắc Triều Tiên, chính phủ Mỹ cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với đề nghị mới đây của Nam Triều Tiên để thực hiện những cuộc thương thuyết vô điều kiện với Bình Nhưỡng.
Sau cuộc họp với các giới chức ở Seoul, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách sự vụ chính trị, bà Wendy Sherman cho biết không có sự bất đồng nào giữa Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên về cách thức ứng phó với Bắc Triều Tiên.
"Chúng tôi có cùng một chính sách với Đại Hàn Dân Quốc là có được một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân. Phi hạt nhân hóa là ưu tiên hàng đầu trong các vấn đề liên quan tới Bắc Triều Tiên, và dĩ nhiên là sau đó chúng tôi mong muốn chấm dứt tình trạng chia cắt để nhân dân Triều Tiên có được một quốc gia thống nhất dưới thể chế dân chủ."
Bắc Triều Tiên, Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Mỹ đã bắt đầu đàm phán vào năm 2003 để loại bỏ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng cuộc đàm phán bị tạm ngưng sau khi Bình Nhưỡng phóng thử nghiệm phi đạn đạn đạo.
Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên đã nhấn mạnh tới những đường lối khác nhau để khởi động lại tiến trình đàm phán. Tháng 12 năm ngoái, Seoul đề nghị đàm phán vô điều kiện với Bình Nhưỡng để tổ chức các cuộc đoàn tụ cho những gia đình bị ly tán khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt vào cuối thế chiến thứ hai.
Bình Nhưỡng bác bỏ đề nghị đó. Họ nói rằng Seoul phải dỡ bỏ những biện pháp chế tài kinh tế trước khi các cuộc điều đình có thể bắt đầu trở lại.
Hoa Kỳ muốn Bắc Triều Tiên thực hiện những hành động khả tín để hạn chế chương trình hạt nhân của họ trước khi tái khởi động cuộc thương thuyết. Washington đã áp dụng thêm những biện pháp chế tài Bắc Triều Tiên sau khi xảy ra vụ tin tặc nhắm vào hãng phim Sony mà Washington nói Bắc Triều Tiên là thủ phạm.
Đặc sứ của Nam Triều Tiên về hòa bình và an ninh của bán đảo Triều Tiên, ông Hwang Joon Kook, mới đây đã họp tại Tokyo với các giới chức Nhật Bản và Đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên, ông Sung Kim. Ông Kim cho biết chính phủ Mỹ đang tích cực hậu thuẫn cho cuộc đối thoại giữa Seoul và Bình Nhưỡng.
Vị đặc sứ của Mỹ nói rằng có hai đường lối được theo đuổi cùng một lúc. Một là gây áp lực lên Bình Nhưỡng vì những hành vi sai trái của họ và hai là mở rộng cánh cửa đối thoại về những vấn đề quan trọng như chương trình hạt nhân.
Nhật Bản đã giảm bớt các biện pháp chế tài Bắc Triều Tiên hồi tháng 7 sau khi đôi bên đồng ý thực hiện lại cuộc điều tra về tình trạng của những công dân Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc cách nay nhiều thập niên.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, bà Wendy Sherman, cũng đã họp với các giới chức Trung Quốc tại Bắc Kinh hồi đầu tuần này. Bà cho biết Trung Quốc tiếp tục nắm giữ một vai trò quan trọng trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Bất chấp sự cấm chỉ được ghi rõ trong nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Bình Nhưỡng đã thực hiện những vụ thử nghiệm hạt nhân, phóng phi đạn đạn đạo và phóng lên không gian một vệ tinh nhỏ.
Hôm nay Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên cho biết họ không thể xác nhận những tin tức cho rằng Bắc Triều Tiên đã khởi động lại một lò phản ứng để chế tạo nhiên liệu bom hạt nhân ở Yongbyon sau khi đóng cửa cơ sở này trong 5 tháng qua.
Ông Kim Yong Hyun, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên của Đại học Dongguk ở Seoul, cho rằng Bình Nhưỡng có thể khởi động lò phản ứng như một cách để tìm kiếm những sự nhượng bộ từ các nước phương Tây.
Giáo sư Kim nói rằng Bắc Triều Tiên đang sử dụng một lá bài, như tái khởi động lò phản ứng ở Yongbyong, và mạnh mẽ tuyên bố là họ sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân để tăng cường quyết tâm của họ.
Tuy nhiên, theo giáo sư Andrei Lankov của Đại học Kookmin ở Seoul, Bình Nhưỡng có phần chắc sẽ không thực hiện thêm một vụ thử nghiệm hạt nhân vì họ e rằng điều đó sẽ làm phật lòng Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Bắc Triều Tiên và là nước viện trợ kinh tế chính yếu của Bình Nhưỡng.
"Nếu họ tiến hành những vụ thử nghiệm hạt nhân, họ sẽ có thêm những rắc rối lớn với Trung Quốc và đó không phải là điều mà họ mong muốn."
Các nhà quan sát cho biết những cuộc thao dượt quân sự hỗn hợp Mỹ-Hàn sắp diễn ra trong vài tháng tới đây và căng thẳng trong khu vực có phần chắc sẽ tiếp tục nằm ở mức cao.