Đường dẫn truy cập

Mỹ và Bắc Hàn không ‘ngó nhau’ tại diễn đàn ASEAN


Diễn đàn ARF năm 2016 tại Lào.
Diễn đàn ARF năm 2016 tại Lào.

Dự kiến sẽ không có đột phá ngoại giao nào giúp giảm căng thẳng về mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (còn gọi là ARF) diễn ra tuần này tại thủ đô Manila, Philippines mặc dù đây là một trong số ít sự kiện quốc tế mà hầu hết các nước lớn sẽ tham dự.

Nhà phân tích chuyên về các vấn đề an ninh Đông Nam Á Carlyle Thayer thuộc Học viện An ninh Quốc gia ở thủ đô Canberra, Úc, cho biết: "Nhiều khả năng sẽ xảy ra đôi co giữa một bên là Trung Quốc, Nga và bên kia là Mỹ, về việc nước nào chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên.”

Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản đều cử các đoàn cấp cao đến hội nghị thượng đỉnh an ninh khu vực hàng năm, do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (còn gọi là ASEAN) tổ chức, trong đó có cả Indonesia, Philippines, Việt Nam và Malaysia.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ tới Philippines dự ARF, sau đó ông sẽ đi thăm Thái Lan và Malaysia, nơi ông sẽ thảo luận về vấn đề "phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, an ninh hàng hải và chống khủng bố."

Bắc Triều Tiên đang khẩn trương đẩy mạnh khả năng nhắm mục tiêu lục địa Hoa Kỳ hoặc bất cứ nơi nào trên thế giới bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (còn gọi là ICBM). Các chuyên gia độc lập cho biết cuộc thử nghiệm ICBM lần thứ hai thành công của Bình Nhưỡng vào tuần trước đã cho thấy khả năng phóng tên lửa tới thành phố Chicago ở trung tây nước Mỹ. Mặc dù cuộc thử tên lửa cho thấy còn những hạn chế về kỹ thuật, nhưng chương trình tên lửa của Bắc Hàn đang tiến triển nhanh hơn dự kiến, và một số chuyên gia nói rằng Bắc Triều Tiên chỉ cần không tới một năm nữa thì có thể phát triển một đầu đạn hạt nhân thu nhỏ gắn trên một tên lửa ICBM.

Ông Grant Newsham, thuộc Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược ở Tokyo, cho rằng Bắc Triều Tiên sẽ đạt khả năng hạt nhân và tên lửa mà họ kỳ vọng. Tại thời điểm hiện nay, họ chỉ gặp một trục trặc kỹ thuật.”

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhóm cố vấn an ninh của ông đã tập trung làm việc với Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Bắc Triều Tiên, để thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, ông Trump và Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Nikki Haley gần đây đã bày tỏ thất vọng về việc Bắc Kinh từ chối áp đặt các chế tài kinh tế, theo đó buộc Bình Nhưỡng phải tuân thủ các chế tài khi họ tìm kiếm nguồn tài trợ.

Tổng thống Trump cho biết ông sẽ sớm ký một đạo luật mới vừa được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua, trong đó cho phép áp dụng hình thức trừng phạt mới đối với các cơ sở kinh doanh Trung Quốc làm ăn bất hợp pháp với Bắc Triều Tiên.

Chính quyền Trump cũng nhấn mạnh tất cả các lựa chọn, bao gồm cả hành động quân sự, đang được xem xét để ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Thượng nghị sĩ Lindsay Graham, thành viên đảng Cộng hòa của Ủy ban Quân vụ Mỹ, cho biết hôm thứ Ba 1/8 rằng "một cuộc chiến tranh với Bắc Triều Tiên sẽ tàn phá khu vực, nhưng cuộc chiến tranh có thể là cách duy nhất để chấm dứt chương trình tên lửa của họ."

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Tillerson hôm thứ Ba 1/8 lại trấn an, nói rằng Hoa Kỳ không đổ lỗi cho Trung Quốc về tình hình ở Bắc Triều Tiên và khẳng định lại rằng Washington không tìm cách thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng.

Ông Tillerson nói: "Chúng tôi đang cố gắng truyền đạt cho Bắc Triều Tiên như thế này: chúng tôi không phải là kẻ thù của họ. Chúng tôi không phải là mối đe dọa của họ, nhưng họ đang chứng tỏ một mối đe dọa không thể chấp nhận đối với chúng tôi và chúng tôi phải đáp ứng.”

Ông Tillerson nói ông muốn có một cuộc đối thoại với các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên ở một thời điểm nào đó, nhưng tại diễn đàn ASEAN, ông không mong đợi sẽ tổ chức cuộc họp chính thức với Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho.

Bắc Triều Tiên đã gọi thử nghiệm mới nhất của họ là "cảnh báo nghiêm khắc" đối với Hoa Kỳ và duy trì các biện pháp phòng thủ hạt nhân, chống lại một cuộc xâm lược có thể có của Hoa Kỳ.

Nhà phân tích an ninh Đông Nam Á Carlyle Thayer cho rằng, bất kỳ cơ hội nào cho ngoại giao sẽ phải xảy ra âm thầm, tránh xa báo chí, và có thể cần đến sự trợ giúp của một nước trung lập.

Ông Thayer nói: "Chính sách này phải bí mật. Nếu chúng ta phát hiện, chính sách sẽ bị chìm nghỉm bởi vì sự phản đối sẽ gia tăng.”

Cũng có những suy đoán rằng một cuộc họp liên Triều có thể diễn ra bên lề. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người vừa nhậm chức tháng 5, đã cố gắng tiếp cận Bắc Triều, nhưng các đề xuất đối thoại, hợp tác và viện trợ nhân đạo đã không được hồi đáp.

VOA Express

XS
SM
MD
LG