Mỹ và NATO nói Nga vẫn đang tập trung quân xung quanh Ukraine hôm 16/2 dù Moscow khăng khăng là đang rút quân, gây hoài nghi về tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin rằng muốn thương thuyết một giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Tại Ukraine, người dân giương quốc kỳ và hát quốc ca để tỏ lòng đoàn kết không sợ hãi trước nguy cơ xâm lược.
Chính phủ Ukraine cho hay vụ tấn công mạng mà Bộ Quốc phòng bị nhắm mục tiêu là tệ hại nhất từng xảy ra tại đây. Ukraine quy trách Nga chủ mưu vụ này nhưng Moscow phủ nhận có dính líu.
Bộ quốc phòng Nga nói lực lượng nước của họ đã rút lui sau những cuộc tập trận tại các quân khu nam và tây gần Ukraine, trong khuôn khổ cuộc tập trung binh sĩ quy mô kèm theo những đòi hỏi của Nga về đảm bảo an ninh sâu rộng từ phương Tây.
Nga công bố video mà Nga nói chứng tỏ xe tăng, xe chiến đấu của bộ binh và những đơn vị pháo binh tự hành đang rời khỏi bán đảo Crimea. Crimea bị Moscow chiếm từ tay Ukraine vào năm 2014.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói các đơn vị chủ chốt của Nga đang tiến tới biên giới chứ không phải rút lui.
“Nga nói vậy, nhưng lại làm như vậy. Chúng ta không thấy họ rút lui lực lượng nào cả,” ông Blinken nói trong một cuộc phỏng vấn trên đài MSNBC. “Chúng ta tiếp tục thấy những đơn vị thiết yếu tiến về phía biên giới, không phải rút lui khỏi biên giới.”
Một quan chức tình báo cao cấp của phương Tây nhận định nguy cơ Nga tấn công Ukraine vẫn còn cao trong tháng này và Nga có thể vẫn tấn công Ukraine không cần cảnh báo.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói di chuyển binh sĩ và xe tăng tới lui không phải là bằng chứng rút quân.
“Chúng ta chưa thấy Nga rút quân. Dĩ nhiên điều này trái ngược hoàn toàn với thông điệp về nỗ lực ngoại giao,” ông Stoltenberg nói trước một cuộc họp của NATO tại Brussels. “Điều chúng ta thấy là họ đã tăng quân và hiện có thêm binh sĩ đang trên đường tăng viện. Cho nên, tới nay vẫn chưa xuống thang căng thẳng.”
Ông Stoltenberg sau đó cho biết NATO có thể chứng minh là Nga chưa rút quân bằng các hình ảnh chụp từ vệ tinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Oleksii Reznikov, nói với Reuters tin tình báo mới nhất của nước ông cũng cho thấy không có dấu hiệu Nga rút quân. Ông nói tổng lực gồm binh sĩ Nga và các lực lượng ly khai thân Nga gần các biên giới Ukraine là khoảng 140.000 quân.
Điện Kremlin nói đánh giá của NATO là sai. Đại sứ của Moscow tại Ireland nói các lực lượng tại phía Tây nước Nga sẽ trở lại vị trí thông thường trong vòng từ ba đến bốn tuần.
Các nhà đầu tư lo ngại
Thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm ngày 16/2 trong khi dầu thô và vàng tăng giá giữa lúc giới đầu tư lo lắng vì thiếu bằng chứng rõ rệt là căng thẳng Ukraine đã hạ nhiệt.
Nga nói không bao giờ có kế hoạch tấn công Ukraine nhưng muốn đặt “những đường ranh đỏ” để ngăn Ukraine gia nhập NATO mà Nga xem là một đe dọa đối với an ninh của mình.
Điện Kremlin nói ông Putin muốn thương thuyết với Mỹ. Mỹ đã đề nghị thảo luận về kiểm soát vũ khí và các biện pháp xây dựng lòng tin trong khi loại bỏ chuyện phủ quyết việc Ukraine có thể gia nhập NATO trong tương lai.
Nga cũng nói sẵn sàng chuyển hướng năng lượng xuất khẩu sang các thị trường khác nếu bị chế tài. Washington và các đồng minh đe dọa chế tài Nga nếu Moscow xâm chiếm Ukraine.
Bộ trưởng Tài chánh Anton Siluanov tuyên bố chế tài nhắm vào các ngân hàng Nga sẽ là chuyện không hay ho, nhưng nhà nước sẽ đảm bảo là tất cả tiền gửi và giao dịch được bảo vệ.
Nga cáo buộc Mỹ tuyên truyền gây hoảng loạn, nhắc đến những cảnh báo về khả năng một cuộc tấn công và tin tức từ truyền thông phương Tây rằng chuyện này sẽ xảy ra vào ngày 16/2.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15/2 nói có hơn 150.000 binh sĩ Nga vẫn còn tập trung gần biên giới Ukraine và vẫn “có thể xảy ra” một cuộc xâm chiếm.
Theo các nhà phân tích quân sự, một cuộc rút quân lớn sẽ bao gồm việc tháo dỡ các bệnh viện dã chiến và các kho dự trữ xăng dầu và các đơn vị từ vùng viễn đông Nga tham gia tập trận tại Belarus tuần này phải trở về các căn cứ cách xa hàng ngàn km.
Ngày đoàn kết
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, tuyên bố ngày 16/2 là ngày lễ ái quốc trước các báo cáo rằng Nga có thể xâm chiếm vào ngày này. “Không ai có thể yêu thương nhà của chúng ta như chúng ta. Và chỉ chúng ta, cùng nhau, mới có thể bảo vệ nhà của mình,” ông nói.
Bộ Quốc phòng cho biết các tin tặc vẫn đang tấn công trang mạng của Bộ và đã tìm thấy những chỗ yếu nhưng lưu lượng tin tức đã được chuyển sang các máy chủ tại Mỹ trong khi vấn đề đang được sửa chữa.
Một quan chức an ninh cao cấp Ukraine nói quốc gia duy nhất muốn tấn công mạng như thế này không ai khác ngoài Nga. Điện Kremlin phủ nhận Nga có dính líu nhưng nói rằng họ không ngạc nhiên khi Ukraine đổ lỗi cho Nga.
Phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói Tổng thống Nga “ghi nhận” yêu cầu của Quốc hội Nga hôm 15/2 về việc công nhận “độc lập” của hai vùng ly khai tại đông Ukraine, nơi các phần tử đòi ly khai được Nga yểm trợ đã chiến đấu chống lại các lực lượng của chính phủ Ukraine kể từ năm 2014.
Tuy nhiên, ông nói chuyện này không phù hợp với những thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc xung đột mà Ukraine nói đã cướp đi sinh mạng của 15.000 người. Điều này cho thấy ông Putin sẽ không vội vã công nhận hai khu vực đòi ly khai này, nhưng có thể giữ giải pháp này phòng hờ.
Ông Blinken nói một bước đi như vậy sẽ phá hoại chủ quyền của Ukraine, vi phạm luật pháp quốc tế và “gây ra một đáp ứng tức thì và mạnh mẽ từ Mỹ, phối hợp đầy đủ với các đồng minh và đối tác” của Mỹ.