Đường dẫn truy cập

Mỹ xem Việt Nam là quốc gia ‘chiến địa’ trong chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương


Điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Kurt Campbell, phát biểu tại Viện Hoà Bình Hoa Kỳ ở Washington DC hôm 19/11, gọi Việt Nam là quốc gia "chiến địa" của Mỹ ở khu vực.
Điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Kurt Campbell, phát biểu tại Viện Hoà Bình Hoa Kỳ ở Washington DC hôm 19/11, gọi Việt Nam là quốc gia "chiến địa" của Mỹ ở khu vực.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden xem Việt Nam là một quốc gia trọng yếu để Mỹ tăng cường quan hệ, theo người phụ trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhà Trắng cho biết, khi gọi quốc gia Đông Nam Á là một “chiến địa quan trọng” của Hoa Kỳ tại đây.

Phát biểu tại một sự kiện do Viện Hoà bình Hoa Kỳ (USIP) có trụ sở ở Washington tổ chức hôm 19/11, ông Kurt Campbell, điều phối viên của Hội đồng Anh ninh Quốc gia Hoa Kỳ về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói rằng Việt Nam, cùng với Ấn Độ và một vài nước khác, đứng đầu danh sách các quốc gia trọng yếu sẽ “định hình tương lai của châu Á.”

“Tôi tin rằng bất cứ ai nắm quyền ở Washington, dù là người của Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hoà, cũng sẽ làm những gì cần thiết để giúp xây dựng mối quan hệ này,” ông Campbell nói tại sự kiện của USIP nhằm thảo luận về kết quả của cuộc gặp Thượng đỉnh vừa qua giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như các quan hệ đối tác của Mỹ trong khu vực, gồm QUAD và AUKUS.

Hai chuyến thăm liên tiếp trong vòng một tháng, hồi tháng 7 và tháng 8, của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Phó Tổng thống Kamala Harris tới Hà Nội được xem là chỉ dấu cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam đối với Mỹ trong việc gắn kết với khu vực mà Hoa Kỳ xem là trọng yếu để kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Tại buổi nói chuyện ở USIP hôm 19/11, ông Campbell mô tả Việt Nam là một “quốc gia chiến địa” (swing state), một thuật ngữ thường được dùng để chỉ các tiểu bang chiến trường mà các ứng cử viên tổng thống muốn giành phiếu trong các cuộc bầu cử ở Mỹ, tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“Đây sẽ là một quốc gia chiến địa quan trọng, không chỉ về mặt chiến lược mà còn cả về mặt thương mại và công nghệ,” ông Campbell nói.

Điều phối viên của Nhà Trắng chỉ ra rằng nhiều công ty sản xuất và công nghệ cao đang ngày càng tìm đến Việt Nam “để đa dạng hoá cổ phần, đầu tư, mô hình thương mại ở châu Á,” cũng như nhấn mạnh đến “sự tăng trưởng đáng kể của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ và các lĩnh vực khác.”

“Việt Nam đang nâng tầm vai trò ngoại giao của mình,” ông Campbell nói và ghi nhận vai trò tích cực hơn của Việt nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Tuy nhiên, người phụ trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính quyền Biden cho rằng các nhà lãnh đạo Mỹ và Việt Nam cần trở nên hiểu nhau hơn, và thay vì có các cuộc họp theo kịch bản thì nên hướng tới việc “chia sẻ mục đích chiến lược thực sự.”

“Dù chúng tôi có những kiểu chính phủ khác nhau, các giá trị tổng thể khác nhau, nhưng về cơ bản, tôi tin rằng khả năng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam sẽ có tính quyết định đối với chúng ta trong tương lai,” ông Campbell nói.

Việt Nam, cùng Singapore, được nhắc đến trong Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời mà Nhà Trắng công bố hồi đầu tháng 3 năm nay như một đối tác được Washington nhắm tới để “làm sâu sắc hơn” trong hợp tác an ninh khu vực. Dù mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ không được nâng lên tầm chiến lược như nhiều người kỳ vọng trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris hồi cuối tháng 8 nhưng các nhà quan sát cho rằng mối quan hệ này về thực chất đã ở tầm chiến lược khi cả hai nước đều chia sẻ những mối quan ngại chung về vấn đề Biển Đông và an ninh khu vực trước sự bành trướng của Trung Quốc.

Ông Campbell nói rằng Việt Nam cũng muốn có một mối quan hệ mạnh mẽ hơn về quốc phòng với Mỹ. Điều phối viên của Nhà Trắng còn cho biết, sẽ có nhiều hơn nữa các chuyến thăm các tàu hải quân Mỹ, Anh và Úc tới Biển Đông và các hợp tác đào tạo trong thời gian sắp tới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG