Hai người nắm thông tin về các cuộc đàm phán cho Reuters biết Mỹ và Việt Nam đang bàn thảo về việc Washington bán máy bay vận tải quân sự Lockheed Martin C-130 Hercules cho Hà Nội, một dấu hiệu cho thấy hai cựu thù hợp tác an ninh chặt chẽ hơn nữa.
Hai nguồn tin cho hay các cuộc đàm phán có thể dẫn đến một hợp đồng cung cấp trong năm nay, đây sẽ là thỏa thuận quân sự lớn nhất của Việt Nam kể từ khi đất nước này tuyên bố công khai vào cuối năm 2022 rằng họ có ý định đa dạng hóa về nguồn cung hàng quốc phòng, sau nhiều thập kỷ Việt Nam phụ thuộc nhiều vào vũ khí, khí tài của Nga.
C-130 có thể chở binh sĩ, thiết bị quân sự và các vật tư khác, đồng thời sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của Việt Nam vào thời điểm có căng thẳng gia tăng về ranh giới ở Biển Đông với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực.
Hai nguồn tin nói Mỹ có thể đề nghị trợ giúp tài chính cho Hà Nội trong khuôn khổ thương vụ mua bán. Một trong hai nguồn tin là quan chức Mỹ cho biết số tiền đó có thể lên tới hàng chục triệu đô la để trang trải cho hoạt động bảo trì và các chi phí khác.
Nguồn tin còn lại, một người Việt được báo cáo tóm tắt về cuộc đàm phán, cho hay mẫu máy bay đang được cân nhắc là C-130J, phiên bản mới nhất của loại máy bay này.
Cả hai nguồn tin đều không nói về tổng chi phí của thỏa thuận tiềm tàng và số lượng máy bay đang được bàn thảo là bao nhiêu. Cả hai đều từ chối nêu tên vì đây không phải là những cuộc đàm phán công khai.
Khi được liên lạc, Lockheed Martin nói Reuters hãy hỏi chính phủ Mỹ hoặc Việt Nam. Nhà Trắng từ chối bình luận và Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng không trả lời khi được đề nghị đưa ra bình luận.
Các cuộc đàm phán về việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Việt Nam có chính quyền cộng sản đã diễn ra trong nhiều tháng, trước khi có những thay đổi lớn trong ban lãnh đạo Việt Nam, mà các chuyên gia và nhà phân tích cho rằng sẽ không làm thay đổi đáng kể lập trường của đất nước về các vấn đề kinh tế và đối ngoại.
Các cuộc bàn thảo nêu trên cho thấy Mỹ ngày càng nỗ lực nhằm giành ảnh hưởng đối với Hà Nội, gần nửa thế kỷ sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.
Kể từ khi lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ được dỡ bỏ vào năm 2016, xuất khẩu quốc phòng của Mỹ sang Việt Nam phần lớn chỉ giới hạn ở các tàu tuần duyên và máy bay huấn luyện, việc này không tiến triển nhiều vì Hà Nội lo ngại về chi phí, về việc phải được chính phủ Mỹ phê duyệt và khả năng tương thích với các vũ khí, khí tài hiện có.
Reuters từng đưa tin rằng cảnh sát Việt Nam xem xét việc mua máy bay trực thăng do Mỹ sản xuất và Bộ Quốc phòng cũng đang xem xét các loại máy bay khác nhau của Mỹ, bao gồm cả máy bay chiến đấu F-16.
Nguồn tin là quan chức Việt Nam xác nhận đã có các cuộc đàm phán về máy bay F-16, cũng do Lockheed Martin sản xuất, nhưng cho biết rằng các cuộc đàm phán đó ít tiến triển hơn vì mua máy bay chiến đấu của Mỹ bị xem là có nhiều khả năng ảnh hưởng đến quan hệ của Việt Nam với các nước khác, bao gồm cả Trung Quốc.
Quan chức này nói rằng máy bay C-130 "ít nhạy cảm hơn" vì chúng có thể được coi là khí tài để phòng thủ hoặc phi tác chiến.
Vẫn quan chức Việt Nam nhận xét rằng việc Quốc hội Mỹ phê duyệt cho máy bay chiến đấu có thể phức tạp hơn so với C-130, đồng thời lưu ý rằng Hà Nội cũng lo ngại về việc liệu Mỹ có chấp thuận bán tên lửa để lắp cho F-16 hay không.
Các báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu ra những vi phạm nhân quyền ở quốc gia Đông Nam Á này, làm phức tạp thêm việc phê duyệt để chuyển giao vũ khí.
Diễn đàn