Đường dẫn truy cập

Mỹ, Việt Nam và 'thực tại mới' trên Biển Đông


Từ trái, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis, BTQP Nhật Itsunori Onodera và ông Hà Lôi, Phó Giám đốc Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm bên lề cuộc Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn quốc phòng và an ninh thường niên. Ảnh chụp hôm thứ Bảy 2/6/2018 ở Singapore. (AP Photo/Yong Teck Lim)
Từ trái, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis, BTQP Nhật Itsunori Onodera và ông Hà Lôi, Phó Giám đốc Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm bên lề cuộc Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn quốc phòng và an ninh thường niên. Ảnh chụp hôm thứ Bảy 2/6/2018 ở Singapore. (AP Photo/Yong Teck Lim)

Hoa Kỳ đang xem xét việc tăng cường các cuộc tuần tra trên Biển Đông trước thách thức quân sự do Trung Quốc đặt ra đối với hải lộ quốc tế này, một động thái có thể làm tăng hơn nữa những sự đối đầu tại một khu vực vốn đã là một trong những điểm nóng, dễ có biến động nhất trên thế giới.

Hãng tin Reuters hôm 4/6 dẫn lời hai quan chức Mỹ và một số nhà ngoại giao Âu- Á cho biết Ngũ Giác Đài đang cân nhắc một chiến dịch chủ động hơn để khẳng định quyền tự do hàng hải gần các cơ sở do Trung Quốc xây dựng trên các đảo, đá đang trong vòng tranh chấp ở Biển Đông.

Điều đó có nghĩa là Mỹ có thể thực hiện các cuộc tuần tra dài ngày hơn, tăng số tàu tham gia hoạt động tự do hàng hải, bám sát và theo dõi các cơ sở của Trung Quốc trong khu vực mà giờ đã bao gồm các thiết bị gây nhiễu điện tử và radar quân sự tiên tiến.

Cùng lúc, các quan chức Mỹ hối thúc các đồng minh và đối tác quốc tế hãy tăng cường các hoạt động hải quân di ngang qua tuyến đường biển huyết mạch này giữa lúc Trung Quốc đang củng cố các khả năng quân sự của họ tại cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Một nhà ngoại giao phương Tây nói: "Những gì chúng ta vừa chứng kiến trong vài tuần qua chỉ là bước khởi đầu, các động thái mạnh mẽ đáng kể hơn đang được lên kế hoạch".

Ngũ Giác Đài thông thường không bình luận về các hoạt động trong tương lai của họ nhưng một phát ngôn viên, Trung tá Christopher Logan, tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các nước bạn, các đối tác và đồng minh để đảm bảo một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ neo ở ngoài khơi Vịnh Manila để đón tiếp các quan khách Philippine tới dự buổi tiếp tân hôm thứ Sáu, 13/4/ 2018.
Tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ neo ở ngoài khơi Vịnh Manila để đón tiếp các quan khách Philippine tới dự buổi tiếp tân hôm thứ Sáu, 13/4/ 2018.

Một lối tiếp cận cứng rắn hơn của Ngũ Giác Đài dường như đã bắt đầu. Reuters tường thuật về một cuộc tuần tra hồi tháng trước, trong đó lần đầu tiên hai tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ tiến gần tới các hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ trên Biển Đông, ngay giữa lúc Tổng thống Donald Trump đang vận động Bắc Kinh hợp tác trong các vấn đề liên quan tới Bắc Hàn.

Trong khi chiến dịch này đã được lên kế hoạch từ nhiều tháng trước, và các hoạt động nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải đã trở nên thường tình, đây là lần đầu hai tàu chiến Mỹ được sử dụng vào công tác khẳng định tự do hàng hải trên Biển Đông.

Mặt khác, Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây đã rút lại lời mời các lực lượng Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận đa quốc quy mô ở ngoài khơi Hawaii trễ hơn trong năm.

Giới chỉ trích nhận định các cuộc tuần tra để gọi là “khẳng định quyền tự do hàng hải” cho tới nay đã không thay đổi được cách ứng xử của Trung Quốc, và chỉ che đậy tình trạng quốc tế không có một chiến lược quy mô để đối phó trước sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.

Mỹ cảnh cáo: Trung Quốc sẽ chịu “hậu quả”

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis hôm thứ Bảy 2/6 khuyến cáo tại Singapore rằng việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông giờ đã là một "thực tế", tuy nhiên ông nói Bắc Kinh sẽ phải “đối mặt với những hậu quả”, mặc dù ông không xác định những hậu quả đó là gì.

Trả lời câu hỏi tại hội nghị an ninh Shangri-La liệu có quá trễ để ngăn chặn Trung Quốc? Ông Mattis nói: "Rốt cuộc thì những hành động đó sẽ không mang lợi lộc gì về cho Trung Quốc."

"Rốt cuộc thì những hành động đó sẽ không mang lợi lộc gì về cho Trung Quốc."
Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ về việc TQ quân sự hóa Biển Đông

Phát biểu bên lề hội nghị Shangri-La ở Singapore, ông Hà Lôi ( He Lei), Phó Giám đốc Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc, tuyên bố Trung Quốc có quyền tiếp tục quân sự hóa các thực thể thuộc quyền kiểm soát của mình trong Biển Đông.

Ông nói: “Đưa vũ khí và triển khai quân đội tới đó là quyền chủ quyền và quyền hợp pháp của Trung Quốc. Bất kỳ quốc gia nào tìm cách gây ồn ào về điều này đều được chúng tôi coi là can thiệp vào các vấn đề nội bộ của chúng tôi.”

Các tùy viên quân sự khu vực nói họ đang chuẩn bị tinh thần để chờ các động thái tiếp theo của Trung Quốc, một số lo ngại Bắc Kinh có thể triển khai các máy bay chiến đấu tới quần đảo Trường Sa, lần đầu tiên họ làm điều này, hoặc tìm cách thực thi một khu nhận dạng phòng không (ADIZ) tương tự như đã làm tại biển Hoa Đông vào năm 2013.

Các quan chức quân sự Việt Nam nói họ đặc biệt quan ngại về nguy cơ Trung Quốc thành lập một khu nhận dạng phòng không ở Biển Đông, vì làm như vậy là xâm phạm không phận Việt Nam và đe dọa đến quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, nói trong khi Việt Nam từ lâu vẫn mưu tìm các giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, "chúng tôi mở ngỏ tất cả mọi lựa chọn để bảo vệ chủ quyền và quyền toàn vẹn lãnh thổ của mình."

Ông nói “Thành lập một ADIZ là một lựa chọn mà chúng tôi đã nghĩ đến và cũng có kế hoạch để đối phó.”

Việt Nam tuyên bố chủ quyền toàn bộ tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và là một trong những nước tích cực nhất đối đầu với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông.

Một chuyên gia an ninh tại Singapore nói trong khi áp lực gia tăng có thể làm chậm lại nỗ lực quân sự hóa của Trung Quốc, khó có thể ngăn chặn hành động đó của Trung Quốc.

Nói với Reuters, ông Tim Huxley nhận định: "Trung Quốc đã tạo ra một thực tế mới ở đó, và tình hình này khó có thể bị lật ngược."

"Trung Quốc không làm như vậy để chọc giận Mỹ hoặc các nước láng giềng, họ làm như vậy để phục vụ các mục tiêu chiến lược dài hạn, cho dù mục tiêu đó là phóng đi sức mạnh quân sự của TQ, hoặc đảm bảo các nguồn cung cấp năng lượng.

XS
SM
MD
LG