Đường dẫn truy cập

Myanmar: Ủy ban bầu cử của tập đoàn quân nhân giải tán đảng của Suu Kyi


Tư liệu- Một người đàn ông giương cờ của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) trong một cuộc biểu tình chống đảo chính quân sự, ở Yangon, Myanmar ngày 27/3/2021.
Tư liệu- Một người đàn ông giương cờ của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) trong một cuộc biểu tình chống đảo chính quân sự, ở Yangon, Myanmar ngày 27/3/2021.

Ủy ban bầu cử do tập đoàn quân nhân cầm quyền ở Myanmar chỉ định sẽ giải tán Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi, “vì gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 2020”, hãng tin Myanmar Now đưa tin hôm thứ Sáu 21/5, dẫn lời một ủy viên.

Myanmar Now tường trình rằng quyết định này đã được đưa ra trong cuộc họp với các chính đảng bị nhiều đảng, kể cả NLD, tẩy chay.

Quân đội Myanmar lên nắm chính quyền hôm 1/2/2021, lật đổ và bắt giữ bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo dân sự do dân bầu lên, người đã đấu tranh cho dân chủ trong nhiều thập kỷ trước khi cải cách bắt đầu cách đây một thập kỷ.

Quân đội Myanmar biện minh cho cuộc đảo chính bằng cách cáo buộc đảng NLD của bà Suu Kyi là đã giành được thắng lợi áp đảo do thao túng cuộc đầu phiếu, mặc dù ủy ban bầu cử lúc bấy giờ bác bỏ lời cáo buộc đó.

Chủ tịch của Ủy ban Bầu cử Đoàn kết (UEC) được nhà cầm quyền quân sự hậu thuẫn, ông Thein Soe, được dẫn lời phát biểu:

“Hành động gian lận bầu cử do NLD tiến hành hồi tháng 11 là bất hợp pháp và vì lý do đó, chúng tôi sẽ phải giải thể hồ sơ đăng ký của đảng này."

Ông Thein Soe còn nói rằng những người thực hiện hành vi gian lận bầu cử "sẽ bị coi là những kẻ phản bội" và chính quyền sẽ có hành động chống lại họ.

Một phát ngôn viên của tập đoàn quân nhân và chính phủ đoàn kết ủng hộ dân chủ hoạt động chui, bao gồm các đảng viên NLD bị lật đổ, đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Một phát ngôn viên của Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển được quân đội hậu thuẫn cho biết họ có đại diện tại cuộc họp đang tiếp diễn, và ông không biết kết quả cuộc họp.

Lực lượng an ninh Myanmar đã giết chết hơn 800 người kể từ khi biểu tình nổ ra sau cuộc đảo chính, theo nhóm hoạt động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, mặc dù Reuters không thể xác minh số thương vong vì chiến dịch đàn áp truyền thông, với nhiều nhà báo trong số hàng ngàn người bị bắt giữ.

Giao tranh cũng bùng phát giữa lực lượng an ninh và các nhóm du kích thuộc các dân tộc thiểu số.

Tình trạng hỗn loạn gây lo ngại cho các nước láng giềng Myanmar và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn, nhưng các tướng lãnh chưa ra dấu hiệu nào cho thấy họ có ý định tìm một giải pháp tương nhượng với phong trào ủng hộ dân chủ.

Đảng NLD hình thành xung quanh những nhân vật dẫn đầu phong trào do sinh viên lãnh đạo, chống lại chế độ cai trị của quân đội trong cuộc nổi dậy năm 1988. NLD đã giành được thắng lợi trong tất cả các cuộc bầu cử mà đảng này được phép dự tranh.

Được đồng sáng lập bởi bà Suu Kyi, đảng NLD giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử năm 1990, nhưng tập đoàn quân nhân cầm quyền không công nhận kết quả bầu cử, và mãi tới năm 2015, bà Suu Kyi mới lên nắm quyền sau khi giành thắng lợi áp đảo.

Khôi nguyên Giải Nobel Aung San Suu Kyi, đang đối mặt với nhiều tội danh được đệ trình tại hai tòa án, tội nghiêm trọng nhất theo Luật thời thuộc địa về các Bí mật quốc gia, có thể lãnh án 14 năm tù.

Năm nay 75 tuổi, bà Suu Kyi chỉ được phép nói chuyện với luật sư qua nối kết video trước sự hiện diện của nhân viên an ninh. Cùng bị truy tố với bà là Tổng thống bị lật đổ Win Myint.

Nhật Bản là nước viện trợ quan trọng cho Myanmar. Phát biểu tại Tokyo, Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi nói nước ông sẽ tái xét chương trình viện trợ cho Myanmar nếu tình hình tại nước này không cải thiện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG