Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) mới cho biết rằng phòng xét nghiệm pháp y do cơ quan này hỗ trợ đã “giúp tăng cường công tác truy tố và xét xử các vụ án buôn sừng tê giác tại Việt Nam”.
Theo USAID, dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã do cơ quan này tài trợ năm 2019 đã “cung cấp trang thiết bị giám định pháp y ADN động vật hoang dã đạt chuẩn quốc tế cho Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (IEBR) và đóng góp ngân sách để thuê các chuyên gia xử lý phân tích pháp y có đủ năng lực”.
Tin cho hay, năm ngoái, Viện này đã xử lý 183 yêu cầu giám định ADN liên quan đến các vụ buôn bán động vật hoang dã từ nhiều cơ quan chính phủ như công an, hải quan, cục kiểm lâm và các cơ quan liên quan khác.
USAID lấy ví dụ cho thấy rằng tháng Ba năm 2020, các cán bộ hải quan sân bay quốc tế Cần Thơ đã bắt giữ một người đàn ông sau khi phát hiện sừng tê giác ở trong hành lý của người này và đã gửi yêu cầu đề nghị Viện hỗ trợ giám định pháp y.
Nhờ đó, mới đây, Tòa án Nhân dân thành phố Cần Thơ đã xét xử, định tội và tuyên phạt Đỗ Thanh Sơn 12,5 năm tù và xử phạt gần 5.000 đôla “vì tội vận chuyển trái phép 28,7kg sừng tê giác trắng Mozambique”.
Mới đây, theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an TP HCM và Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện hơn 51 mẫu vật nghi là sừng tê giác châu Phi. Số mẫu vật này đã được tiến hành lấy mẫu và gửi về Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật để giám định pháp y.
Báo Thanh Niên đưa tin, bước đầu, cơ quan chức năng xác định số sừng này được chuyển đi từ châu Phi sau đó quá cảnh tại Việt Nam để tiếp tục đi đến một số nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Nếu kết quả giám định số lượng khoảng 93kg là sừng tê giác thì nguồn hàng này có giá trị lên đến khoảng 40 tỉ đồng trên thị trường chợ đen, theo báo Tuổi Trẻ.
Theo USAID, Việt Nam “là một trong những điểm đến và trung chuyển lớn nhất liên quan đến hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp” và rằng “các kết quả giám định ADN là những bằng chứng hết sức quan trọng để xác định các sản phẩm động vật hoang dã đã bị săn bắt hoặc buôn bán trái pháp luật cũng như nguồn gốc địa lý của chúng và thường có vai trò cần thiết để truy tố thành công tội phạm về động vật hoang dã”.
Hỗ trợ của USAID trong việc cải thiện thời gian và độ chính xác của hoạt động giám định ADN động vật hoang dã được cho là “giúp tăng cường hiệu quả của công tác điều tra và truy tố tội phạm động vật hoang dã tại Việt Nam, phù hợp với mục tiêu của Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về giảm tội phạm môi trường xuyên quốc gia”.
Ngoài việc cung cấp trang thiết bị giám định pháp y ADN động vật hoang dã đạt chuẩn quốc tế cho phía Việt Nam, USAID vừa qua cũng đã tiến hành tập huấn, nâng cao năng lực cho các cán bộ hải quan Việt Nam trong việc điều tra các vụ buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.
Tin cho hay, USAID đã hỗ trợ Trường Hải quan Việt Nam tổ chức tập huấn cho 42 cán bộ hải quan từ 32 tỉnh, thành trên cả nước “cung cấp kiến thức về các văn bản pháp lý liên quan đến quản lý và bảo vệ các loài hoang dã, các văn bản hướng dẫn cơ bản về kiểm soát hải quan và các nghiệp vụ kiểm soát hải quan nhằm phát hiện các vụ buôn bán trái phép”.