Đường dẫn truy cập

Nam Triều Tiên ra luật mới về hôn nhân khác quốc tịch


Hàng chục ngàn đàn ông Nam Triều Tiên đã kết hôn với phụ nữ nước ngoài trong vòng thập niên vừa qua. Nhưng theo các số liệu thống kê của chính phủ, nhiều cuộc hôn nhân đó đã kết thúc bằng những cuộc ly hôn. Các phóng viên Jason Strother và Malte Kollenberg ở Seoul kể lại cho chúng ta cách thức chính phủ cố gắng thay đổi sự kiện đó.

Lee Soo-yeon là một cô dâu di trú người Việt nay mang tên Triều Tiên. Người phụ nữ 36 tuổi này làm công việc thông dịch tại một trung tâm cho phụ nũ di trú tại Asan, một thành phố cách Seoul 48 kilomet về phía nam.

Bà nói cuộc hôn nhân sáu năm của bà với một người đàn ông Nam Triều Tiên đã không diễn tiến tốt đẹp:

“Lúc đầu chúng tôi không nói chuyện được với nhau. Và sau đó chúng tôi bắt đầu tranh chấp với nhau rất nhiều. Anh ta đánh tôi. Giờ đây tôi không ghét anh ta, nhưng tôi nhận ra rằng anh ta có vấn đề nghiện rượu.”

Đứa con nhỏ của cặp vợ chồng này giờ đây sống với mẹ chồng của bà Lee. Bà nói rằng dường như là bà khó mà tái hợp với chồng. Bà Lee đổ lỗi cho cơ quan môi giới hôn nhân giới thiệu họ cho nhau tại Việt Nam. Bà nói:

“Các cơ quan môi giới hôn nhân không cung cấp thông tin nào về những người đàn ông họ giới thiệu cho các phụ nữ. Chúng tôi cần biết nhiều hơn về những người đàn ông này, nhân cách của họ và tình trạng ổn định tài chính của họ.”

Phải đối diện với những vụ ly dị trong số các cặp vợ chồng quốc tế, chính phủ Nam Triều Tiên đã thông qua những đạo luật mới để có được thị thực nhập cảnh hôn nhân.

Có những đòi hỏi về tài chính, nhưng cặp hôn phối này cũng còn phải chứng tỏ là nói được một ngôn ngữ chung.

Bà Chung Chin Sung là một giáo sư xã hội học tại Trường Đại Học Seoul và cố vấn cho chính phủ Nam Triều Tiên về chính sách gia đình đa văn hóa. Bà nói rằng, một yêu cầu về ngôn ngữ có thể giúp cải thiện các cuộc hôn nhân, nhưng những đạo luật mới về thị thực nhập cảnh không giải quyết được vấn đề tại cốt lõi của các cuộc hôn phối này. Bà nói:

“Loại thị trường hôn nhân khi một bên, đặc biệt là phụ nữ, trở thành một sản phẩm, chứ không phải là một con người, cần phải được cải thiện.”

Bà Chung nói rằng điều đó bao gồm việc cấm các cơ quan dàn xếp những cuộc hôn nhân vội vàng giữa những người chỉ biết nhau chút ít.

Jolly Regacho, một cố vấn tại trung tâm di trú Asan nói rằng, nếu chính phủ Nam Triều Tiên muốn làm cho các cuộc hôn nhân tồn tại lâu dài thì việc có thêm giáo dục sẽ hữu ích nhiều hơn:

“Họ cũng nên thực hiện một dự án cho người chồng học hỏi văn hóa của người vợ nữa.”

Cô dâu di trú Lee Soo-yeon nói rằng, mặc dù hôn nhân của bà tan vỡ nhưng bà không có kế hoạch trở về Việt Nam. Bà nói rằng, bà sẽ ở lại Triều Tiên, quê hương mới của bà.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG