Đường dẫn truy cập

NATO đang dốc sức tìm lãnh đạo mới


Ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký người Na Uy của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương NATO.
Ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký người Na Uy của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương NATO.

Cuộc đua trở thành người lãnh đạo kế tiếp của NATO đang tăng nhiệt dù phần lớn diễn ra âm thầm và chưa có dấu hiệu của người chiến thắng.

Ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký người Na Uy của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương, sẽ từ chức vào cuối tháng 9 năm nay sau 9 năm đảm nhiệm vị trí này.

Nhiều thành viên NATO muốn việc kế nhiệm ông Stoltenberg được hoàn tất trước hoặc trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania vào giữa tháng 7. Việc này khiến NATO không còn nhiều thời gian đạt được sự đồng thuận cần thiết để chọn một nhà lãnh đạo mới. Họ cũng có thể yêu cầu ông Stoltenberg đảm nhận nhiệm kỳ thứ tư.

NATO gồm 31 nước thành viên trải dài từ Hoa Kỳ qua Phần Lan tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Ai lên ghế Tổng thư ký NATO lúc này cũng sẽ đối mặt với thách thức kép là giữ cho NATO đoàn kết chặt chẽ trong việc hỗ trợ Ukraine và đề phòng bất kỳ sự leo thang nào có thể kéo NATO trực tiếp vào cuộc chiến với Nga.

Một người có đủ khả năng để phán đoán những gì đang rủi ro là cựu lãnh đạo liên minh Anders Fogh Rasmussen, người đã phát biểu tại một cuộc họp báo trong tháng này rằng các đồng minh NATO chớ vội vàng đưa ra quyết định.

“Tương lai, tân tổng thư ký của NATO phải đáp ứng hai yêu cầu: thứ nhất là có thể duy trì sự đoàn kết trong liên minh và thứ hai là có thể mạnh miệng đanh thép với (Tổng thống Nga Vladimir) Putin và các nhà độc tài khác đang đe dọa liên minh” ông nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tuần trước tuyên bố rằng ông thích công việc này. Tuy nhiên, khi một số chính phủ thúc đẩy việc có một nữ tổng thư ký NATO đầu tiên thì Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cũng đang nổi lên như một ứng cử viên nặng ký.

Ông Jamie Shea, cựu quan chức cấp cao của NATO, người đã phục vụ trong liên minh trong 38 năm, nói ông nghĩ có khả năng liên minh sẽ chọn một nhà lãnh đạo hiện tại vì mối liên lạc của họ và khả năng nói chuyện với các đồng nghiệp.

Mặc dù có vai trò rất công khai, nhưng cuộc cạnh tranh cực kỳ không rõ ràng, chủ yếu diễn ra trong các cuộc tham vấn giữa các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao. Những cuộc tham vấn đó tiếp tục cho đến khi tất cả các thành viên NATO đồng ý rằng họ đã đạt được sự đồng thuận.

“Giống như ở Vatican khi tân Giáo hoàng được chọn,” ông Shea nói.

Nhiều nhà ngoại giao coi ông Wallace ít có cơ may cho công việc này, mặc dù ông được tôn trọng rộng rãi trong liên minh. Một số thành viên mong muốn chọn một nữ lãnh đạo thì phản đối ông.

Và một số nước, đặc biệt là Pháp, muốn một người nào đó đến từ một quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu, với hy vọng sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa NATO và EU.

Bà Frederiksen đáp ứng tất cả các tiêu chí trên. Mặc dù bà nói rằng bà không phải là một ứng cử viên, nhưng bà không nói bà không quan tâm đến chức vụ này. Các nhà ngoại giao NATO nói rằng đằng sau hậu trường, bà đang được xem xét nghiêm túc.

Tên bà Frederiksen lần đầu tiên xuất hiện công khai trong một bản tin của tờ báo VG của Na Uy vào tháng trước và truyền thông tuần này đồng loạt quan tâm tới bà Frederiksen khi Toà Bạch Ốc thông báo rằng bà sẽ đến thăm Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào đầu tháng 6.

Bà nói với các phóng viên ở Copenhagen hôm 24/5 rằng: “Tôi không nạp đơn vào bất kỳ công việc nào,” bác bỏ suy đoán rằng chuyến thăm có thể dẫn đến một cuộc phỏng vấn xin việc cho vai trò của NATO.

Theo truyền thống, vị trí này thuộc về một người châu Âu, nhưng bất kỳ ứng cử viên nghiêm túc nào cũng cần có sự ủng hộ từ Washington, cường quốc thống trị NATO.

Một nguồn thạo tin cho hay chính quyền Biden vẫn chưa có ứng cử viên ưa chuộng và một “cuộc tranh luận sôi nổi” giữa các phụ tá hàng đầu đang diễn ra.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói “còn quá sớm trong quá trình này để suy đoán xem Hoa Kỳ sẽ ủng hộ ai”.

Bà Frederiksen, 45 tuổi, thuộc Đảng Dân chủ Xã hội, trở thành thủ tướng trẻ nhất Đan Mạch năm 2019. Bà được ca ngợi về khả năng quản lý khủng hoảng trong đại dịch COVID-19 và đắc cử nhiệm kỳ hai vào năm ngoái.

Bà sẽ phải từ bỏ chức vụ thủ tướng nếu nhận công việc ở NATO, điều mà các nhà bình luận chính trị cho rằng sẽ đẩy chính phủ mong manh của bà đến bờ vực sụp đổ.

Và một chiến dịch vận động cho chiếc ghế tại NATO sẽ không thuận buồm xuôi gió.

Đất nước của bà không đạt được mục tiêu của NATO là chi 2% GDP cho quốc phòng. Đan Mạch ở mức 1,38%, mặc dù bà Frederiksen đã cam kết tăng tốc các nỗ lực để đạt được mục tiêu.

Một số đồng minh cũng cho rằng lần đầu tiên công việc này nên được giao cho một nước Đông Âu, đặc biệt là khi cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã khiến khu vực này trở nên quan trọng hơn đối với NATO.

Nếu bà Frederiksen được chọn, bà sẽ là người đứng đầu NATO thứ ba liên tiếp đến từ một quốc gia Bắc Âu.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen của Đức và Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland cũng có tên trong các cuộc thảo luận giữa các nhà ngoại giao và báo chí.

Nhưng các nhà ngoại giao nói rằng đối với một số thành viên NATO, bà Kallas được coi là quá hiếu chiến với Nga. Berlin muốn bà von der Leyen ở lại Ủy ban. Còn bà Freeland phải đối mặt với những trở ngại lớn khi là một nhân vật không phải gốc châu Âu đến từ một quốc gia bị coi là chậm chạp trong chi tiêu quốc phòng.

Những cái tên khác thường xuất hiện là cựu Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez.

Nhưng ông Rutte khẳng định ông không muốn công việc đó. Và ông Sanchez có một cuộc tổng tuyển cử để vận động vào cuối năm nay.

Một số nhà ngoại giao cũng nghi ngờ nhiều ứng cử viên có thể không được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan chấp nhận, người vốn không hề tỏ ra e ngại về việc ngăn chặn sự đồng thuận của NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Hungary, đang kìm giữ tư cách thành viên NATO của Thụy Điển.

Thiếu ứng viên được đa số ủng hộ làm tăng khả năng nhiệm kỳ của ông Stoltenberg sẽ được gia hạn một lần nữa, có lẽ cho đến một hội nghị thượng đỉnh NATO khác vào năm 2024.

Nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 2 vừa qua, ông Stoltenberg không suy đoán về tương lai của mình và khẳng định rằng nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào mùa thu.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG