Đường dẫn truy cập

NATO, Nga đàm phán cấp cao giữa lúc âm ỉ căng thẳng về Ukraine


Hội đồng NATO-Nga nhóm họp tại Brussels, Bỉ, vào ngày 12/1/2022.
Hội đồng NATO-Nga nhóm họp tại Brussels, Bỉ, vào ngày 12/1/2022.

Các quan chức cấp cao của NATO và Nga đã nhóm họp hôm 12/1 nhằm cố gắng thu hẹp những khác biệt dường như không thể hòa giải về tương lai của Ukraine, giữa bối cảnh có sự hoài nghi sâu sắc rằng liệu các đề xuất an ninh của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm xoa dịu căng thẳng là thực tâm hay không.

Các cuộc đàm phán diễn ra trong một tuần ngoại giao quan trọng và một nỗ lực do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm ngăn chặn việc chuẩn bị cho điều mà Washington tin rằng có thể là một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Moscow phủ nhận họ đang lên kế hoạch tấn công. Tuy nhiên, lịch sử hành động quân sự của nước này ở Ukraine và Gruzia khiến NATO lo lắng.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko và Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin xuất hiện trước truyền thông với vẻ mặt nghiêm nghị trước Hội đồng NATO-Nga. Không có một cái bắt tay công khai nào, mặc dù phái đoàn Nga đã chào hỏi theo kiểu chạm nắm đấm với các quan chức của 30 quốc gia thành viên NATO bên trong địa điểm tổ chức cuộc họp.

Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ tại trụ sở NATO ở Brussels.

Ông Stoltenberg viết trên trang Twitter rằng “đây là một cơ hội kịp thời để đối thoại vào một thời điểm quan trọng đối với an ninh châu Âu. Khi căng thẳng lên cao, điều quan trọng hơn là chúng ta phải ngồi xuống cùng một bàn và giải quyết các mối quan tâm của mình”.

Đây là cuộc họp đầu tiên thuộc dạng này trong vòng hơn hai năm qua. Cuộc họp dự kiến diễn ra trong khoảng ba giờ. Hội đồng Nga-NATO, diễn đàn chính cho các cuộc đàm phán, đã được thành lập hai thập niên trước nhưng các cuộc họp đầy đủ đã tạm dừng khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014. Hội đồng chỉ nhóm họp lẻ tẻ kể từ đó, và lần cuối cùng diễn ra vào tháng 7 năm 2019.

Với khoảng 100.000 binh lính Nga trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu và được hỗ trợ bởi xe tăng, pháo binh và thiết bị hạng nặng đã tập trung hàng loạt ngay bên kia biên giới phía đông của Ukraine, cuộc họp hôm 12/1 mang ý nghĩa to lớn, nhưng có vẻ tiềm ẩn khả năng thất bại.

“Đây là những đề xuất hoàn toàn không thể chấp nhận được”, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Kalle Laanet nói với đài truyền hình công cộng ERR vào đêm trước cuộc đàm phán. Cũng giống như các nước láng giềng Baltic như Latvia và Lithuania, Estonia dựa vào sự đảm bảo an ninh của Hoa Kỳ nhờ tư cách thành viên NATO.

Tổng thống Putin nói yêu cầu của Nga rất đơn giản, nhưng những phần quan trọng của các đề xuất có trong các tài liệu mà Moscow đã công khai - một thỏa thuận dự thảo với các nước NATO và đề nghị một hiệp ước giữa Nga và Mỹ - sẽ không được chấp nhận ở tổ chức quân sự của 30 quốc gia.

NATO sẽ phải đồng ý ngừng tất cả các kế hoạch kết nạp thành viên, không chỉ với Ukraine, và giảm quy mô sự hiện diện của mình ở các nước như Estonia gần biên giới Nga. Đổi lại, Nga sẽ cam kết hạn chế các cuộc tập trận, cũng như chấm dứt việc đưa máy bay vờn quanh và các hành động không thân thiện khác ở các cấp độ thấp.

Nếu chấp nhận một thỏa thuận như vậy, NATO sẽ buộc phải vứt bỏ một phần quan trọng của hiệp ước tạo lập ra khối này. Theo Điều 10 của Hiệp ước Washington năm 1949, tổ chức này có thể mời bất kỳ quốc gia châu Âu nào có thiện chí tham gia có thể đóng góp vào an ninh ở khu vực Bắc Đại Tây Dương và thực hiện các nghĩa vụ trong tư cách thành viên.

Tuy nhiên, cũng rất khó cho NATO nếu gạt bỏ đề nghị của Nga. Một số thành viên lo ngại ông Putin có thể đang kiếm cớ để tiến hành một cuộc xâm lược - chẳng hạn như sự thất bại của phương Tây trong việc can dự - và các thành viên cho rằng sẽ tốt hơn khi có bất kỳ cuộc đàm phán nào có thể xoa dịu căng thẳng về các lực lượng biên giới, về triển khai tên lửa hoặc tập trận.

Tuy nhiên, đối với Điện Kremlin, thời gian là điều cốt yếu.

Người phát ngôn Dmitry Peskov hôm 11/1 nói rằng các cuộc đàm phán tuần này, cho đến nay, cho thấy rất ít lý do để lạc quan. Ông nói kết quả của cuộc họp ngày 12/1 và một cuộc họp tại Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu vào ngày 13/1 có thể xác định liệu việc tiếp tục đàm phán có hợp lý hay không.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG