Đường dẫn truy cập

Nền pháp quyền Úc qua sự kiện Djokovic


Novak Djokovic tại phi trường Melbourne trước khi lên máy bay rời Úc.
Novak Djokovic tại phi trường Melbourne trước khi lên máy bay rời Úc.

Đối với giới hâm mộ Djokovic một cách không lay chuyển, quyết định của Bộ trưởng Di trú Úc Alex Hawke dùng quyền lực cá nhân để hủy thị thực lần hai của Djokovic vào ngày 14 tháng Giêng 2022 là một hành động hiếp đáp và đối xử bất công. Riêng đối với người Serb, Djokovic là biểu tượng hàng đầu mang lại niềm tự hào và hãnh diện của họ. Cho nên cách hủy bỏ thị thực của Djokovic như thế đã đụng chạm trực tiếp đến niềm tự hào dân tộc. Người Serb, vì thế, phần lớn rất căm giận chính phủ Úc.

Trên bình diện tổng quát, qua sự kiện thị thực của Djokovic bị hủy bỏ và sẽ bị đưa về nước, nhiều người đi đến kết luận rằng nếu một người như Djokovic, vừa nổi tiếng và giàu có, mà còn bị đối xử như thế, thì một người bình thường làm sao có khả năng để bảo vệ tiếng nói của mình? Làm sao công lý được bảo vệ, được thực thi?

Đây là một sự so sánh thú vị. Tuy nhiên có những điều cần được hiểu thêm về nền pháp quyền của Úc.

Một, đúng là nền công lý mọi nơi không bao giờ là hoàn toàn công bằng, ngay cả những nơi được xem là dân chủ pháp quyền vững chắc nhất. Bởi lẽ càng giàu có thì càng có khả năng mướn chọn luật sư giỏi nhất hay khả năng nhất đại diện cho mình. Nhưng tại Úc, và nhiều nơi khác, khi một người không có khả năng tài chánh để thuê mướn luật sư, chính quyền hoặc các cơ quan pháp lý độc lập/dân sự thường cứu xét và cung cấp luật sư để bào chữa cho người đó. Mỗi tiểu bang hoặc lãnh thổ có các cơ quan trợ giúp pháp lý (legal aids). Không phải các luật sư đại diện này luôn tài giỏi. Nhưng trong một số trường hợp người ta vẫn may mắn có được các luật sư chuyên môn và tài giỏi hàng đầu trong lĩnh vực đứng ra bào chữa cho họ. Có những luật sư làm như thế hoàn toàn trên tinh thần thiện nguyện.

Hai, trong trường hợp Bộ trưởng Alex Hawke tự lấy quyết định hủy bỏ thị thực của Djokovic, dưới điều luật s133C(e) của Đạo luật Di trú 1958, tiến trình công lý tự nhiên (natural justice) không áp dụng khi bộ trưởng dùng điều luật này để hủy bỏ. Công lý tự nhiên là quy trình mà phần lớn các điều luật trong Đạo luật Đi trú 1958, hay các đạo luật khác, cho phép nguyên đơn cơ hội trình bày lý do vì sao trường hợp của mình, như thị thực trong chuyện này, không nên bị hủy bỏ. Họ có khoảng thời gian nhất định nào đó, được ghi rõ trong Đạo luật, để cung cấp lý do và bằng chứng biện minh cho trường hợp của mình, trước khi người lấy quyết định hay Bộ trưởng huỷ bỏ hay không. Các cố vấn pháp lý cho Bộ trưởng biết điều luật nào là thích hợp nhất cho từng hoàn cảnh và đưa ra đề nghị với ông. Trong trường hợp Djokovic, Bộ trưởng Hawke cho biết vì lợi ích công cộng, ông quyết định dùng điều luật này để hủy bỏ thị thực của Djokovic vì vấn đề sức khỏe và trật tự xã hội.

Ba, luật sư của Djokovic đã lập tức kiện quyết định này lên toà liên bang, như lần trước. Nhưng lần này có đến ba thẩm phán tham dự và lấy quyết định (Full Federal Court thường có ba hoặc năm thẩm phán, tuỳ theo từng vấn đề/trường hợp). Khi Bộ trưởng Hawke hủy thị thực của Djokovic, anh đã được đưa trở lại Park Hotel tại Carlton trong hình thức bị tạm giam vào chiều tối thứ Sáu. Full Federal Court quyết định nghe hai bên vào sáng Chủ Nhật, từ 9:30 sáng giờ Melbourne. Phía luật sư của Bộ trưởng Hawke biện luận rằng có đầy đủ bằng chứng cho thấy Djokovic chống lại tiêm chủng, và sự hiện diện của anh tại Úc làm tăng thêm sự chống đối của công chúng (civil unrest) đối với tiêm chủng Covid tại Úc. Trong khi đó phía luật sư của Djokovic biện luận rằng Bộ trưởng Hawke đã không trưng bày bằng chứng nào cho các cáo buộc trên, và không cân nhắc kỹ lưỡng rằng nếu đưa Djokovic về lại Úc thì sự chống đối cũng sẽ như thế.

Phiên toà kéo dài mãi đến chiều, có nghỉ lúc trưa, và sau đó ba thẩm phán họp riêng để lấy quyết định chung. Hơn 5 giờ chiều toà Full Federal Court đã công bố quyết định bác bỏ đơn kiện của bên Djokovic, và công nhận quyết định của Bộ trưởng Hawke là hợp pháp. Thẩm phán Trưởng James Allsop cho biết trách nhiệm của toà không phải để đánh giá quyết định của Bộ trưởng hay hoặc tốt không, mà chủ yếu xem tính pháp lý của nó: có điều gì không hợp pháp, phi lý hay vô lý một cách hợp pháp không (unlawful, irrational or legally unreasonable). Toà kết luận rằng biện luận trình bày từ bên Djokovic đã không thuyết phục được điều này.

Sau quyết định này Djokovic cho biết tuy thất vọng nhưng sẽ tôn trọng phán quyết của toà và sẽ hợp tác với chính quyền Úc để sắp xếp trở về nước. Bộ trưởng Hawke và Thủ tướng Úc Scott Morrison đều đưa ra tuyên bố hoan nghênh quyết định của toà, và lần nữa cảm kết bảo vệ biên giới Úc chặt chẽ và mạnh mẽ để bảo đảm sức khỏe, an toàn và trật tự, nhất là trong khi đại dịch vẫn còn đang hoành hành.

Sự kiện liên quan đến thị thực Djokovic tại Úc trong gần hai tuần qua, tuy đáng tiếc vì giải quần vợt kỳ này không có ngôi sao hàng đầu tham dự, nhưng tất cả đều cho thấy một tiến trình pháp lý rõ ràng hẳn hoi của nền dân chủ pháp quyền tại Úc. Ngay cả khi gia đình hoàng tộc của Serbia bực tức lên án sự độc tôn của chính quyền Úc, hay Tổng thống Serbia lên án nặng nề Thủ tướng và chính quyền Úc, trên thực tế luật Úc không cho ai đứng trên đứng ngoài hay lạm dụng quyền hành của mình. Djokovic, dù đang là ngôi sao hàng đầu quần vợt nhưng khi đã đến Úc, luật đã áp dụng cho mọi người, kể cả anh. Quyết định của Bộ trưởng hay Thủ tướng cũng không phải tối hậu, vì phải chịu trách nhiệm giải trình trước toà án độc lập. Sau cùng ngay các thẩm phán của toà liên bang hay toà tối cao (High Court), nếu có xảy ra, cũng chỉ làm với những gì luật pháp quy định chứ không thể đi ngoài phạm vi trách nhiệm của mình (Jurisdiction/Merit). Các quy trình luật được tôn trọng và thực thi, và những người rành luật hiểu rõ điều này, không phải những tuyên bố huênh hoan, quá đà và thiếu thẩm quyền đầy dẫy trên mạng xã hội.

Vì thị thực bị hủy bỏ, Djokovic sẽ bị cấm vào Úc trong ba năm tới kể từ ngày anh rời Úc. Tuy vậy luật sư của anh có thể nộp đơn xin miễn giới hạn này. Bộ Di trú hay Bộ trưởng có cứu xét không thì tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Quan trọng nhất có lẽ là cung cách hành xử của Djokovic trong những ngày tháng tới. Ra khỏi Úc không có nghĩa là hết trách nhiệm, muốn nói gì thì nói, hay làm gì thì làm. Nếu Djokovic muốn trở lại thì tốt hơn hết không nên nói hay làm những điều có thể tạo thêm khó khăn cho mình tại Úc hay nói chung nhiều quốc gia khác trong tương lai. Đây cũng là bài học cay đắng cho ngôi sao quần vợt có khả năng làm nên lịch sử. Nhưng biết đâu bài học này giúp cho anh mạnh mẽ và thành công hơn nữa!

(Cập nhật: Vài giờ sau khi tòa án Úc ra phán quyết cuối cùng, Djokovic lên máy bay của hãng Emirates, rời Úc, đến Dubai, nơi anh cư trú trước khi xin nhập cảnh vào Úc.)

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG