12 giờ trưa ngày 20/1 (giờ miền Đông Hoa Kỳ), nước Mỹ và cả thế giới sẽ chứng kiến một cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng khi Tòa Bạch Ốc chia tay Tổng thống Barack Obama để đón chào chủ nhân mới: ông Donald Trump, Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Tổng thống Obama và Tổng thống tân cử Donald Trump sẽ gặp nhau tại Tòa Bạch Ốc trước lễ tuyên thệ. Sau đó, họ sẽ cùng nhau đến Điện Capitol (trụ sở Quốc hội) dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng thống.
Lễ bắt đầu lúc 11:30, Tân Tổng thống sẽ tuyên thệ và đọc diễn văn nhậm chức lúc 12 giờ trưa. Tuyên thệ xong, tân Tổng thống sẽ dùng bữa trưa tại Điện Capitol. Sau đó, Tổng thống và Phó Tổng thống sẽ tham dự cuộc diễu hành truyền thống dự kiến bắt đầu lúc 3 giờ chiều.
Đoàn diễu hành sẽ đi dọc theo đại lộ Pennsylvania giữa Quốc hội với Tòa Bạch Ốc.
Ngoài gia đình Tổng thống mãn nhiệm và Tổng thống kế nhiệm, các khách VIP tham dự lễ này còn có các cựu Tổng thống. Cựu Tổng thống Jimmy Carter và George W. Bush đã loan báo sẽ hiện diện. Cựu Tổng thống Bill Clinton và phu nhân, ứng viên đối thủ của ông Trump, dự kiến cũng sẽ có mặt.
Gần 250 ngàn vé đã được phát cho những người dự lễ tuyên thệ thông qua các thành viên của Quốc hội, trong khi khu Quảng trường Quốc gia có sức chứa hàng trăm ngàn khán giả.
Có những khu vực dân chúng có thể dự khán không cần vé, nhưng cũng có những khu vực phải có vé mới được vào. Cổng an ninh mở lúc 6 giờ sáng.
Lễ nhậm chức Tổng thống thường phản ánh tính cách, đặc điểm, và mong muốn của nhân vật sắp dọn vào Tòa Bạch Ốc ở số 1600 đại lộ Pennsylvania.
Các vị Tổng thống Mỹ trước đây đã tìm cách tạo dấu ấn riêng biệt cho nhiệm kỳ của mình từ buổi lễ tuyên thệ.
Lễ tuyên thệ của cựu Tổng thống John F Kennedy rất phong cách và trang nhã trong khi cựu Tổng thống Jimmy Carter đặt trọng tâm ngày nhậm chức của ông là ‘lễ tuyên thệ của nhân dân.’
Lễ tuyên thệ của cựu Tổng thống Ronald Reagan rất tráng lệ trong khi cựu Tổng thống Clinton lại đưa nét đặc biệt của thế hệ baby boomer của ông vào lễ nhậm chức với hàng loạt các ngôi sao hàng đầu trong buổi hòa nhạc miễn phí.
Dựa trên chủ đề tranh cử của ‘hy vọng và thay đổi’, lễ nhậm chức đầu tiên của Tổng thống Obama cách đây 8 năm quy tụ lượng người tham dự đông kỷ lục, cả chiều dài của Quảng trường Quốc gia ngay trung tâm thủ đô được dành trọn cho lễ tuyên thệ của ông.
Tại cuộc họp báo tuần trước, ông Trump đã hứa hẹn một buổi lễ nhậm chức ‘hết sức đặc biệt và đẹp mắt’, và ông cũng dự đoán sẽ cực kỳ đông người tham dự.
Trong số những người tề tựu về thủ đô Washington để chia vui-cổ võ cho ông Trump dịp này có anh Andy Nguyễn Xuân Hùng, Ủy viên Hội đồng quận Terrant, bang Texas. Anh Andy dành trọn 2 ngày 19 và 20/1 bay lên Washington DC tham dự lễ nhậm chức Tổng thống. Anh cho biết anh muốn hiện diện trong ngày trọng đại này để chúc mừng và bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Trump, người mà anh kỳ vọng sẽ có hành động mạnh tay trong các chính sách đối ngoại, ‘không ngần ngại’ đối diện trực tiếp với Trung Quốc, nước đang o ép các nước nhỏ lân cận trong đó có Việt Nam.
Anh Andy chia sẻ thông điệp anh mang theo tới lễ nhậm chức của tân Tổng thống:
“Chúng tôi tin rằng ông Donald Trump sẽ phát triển nền kinh tế Mỹ, sẽ giải quyết các vấn đề chi phí quá mức của chính phủ liên bang, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân, xây dựng lại thế đứng vững mạnh của Hoa Kỳ trên bàn cờ thế giới, bảo đảm an toàn-an ninh cho nước Mỹ. Mặc dù ông Trump có nhiều yếu điểm trong ăn nói, nhưng chúng ta cần một người có khả năng làm việc, chúng ta không cần một người ăn nói văn hoa mà không tạo ra được kết quả.”
Nhưng trong đoàn người kéo về thủ đô Hoa Kỳ lúc này cũng có rất nhiều người góp mặt để phản đối vị tỷ phú bạo ngôn. Đây cũng là một bằng chứng nữa cho thấy một nước Mỹ chia rẽ sau cuộc bầu cử Tổng thống đầy tranh cãi vừa qua.
Chị Genie Ngọc Giao Nguyễn, sáng lập Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt, cho biết dù hoàn toàn không ủng hộ ông Trump, nhưng chị cũng muốn có mặt trong sự kiện này:
“Mình là một công dân Mỹ gốc Việt, ngày đầu tiên của một Tổng thống mới, đúng theo tinh thần công dân ở một nước dân chủ, mình cũng muốn có mặt. Mình muốn chứng tỏ là người Mỹ gốc Việt của chúng ta cũng quan tâm, chúng ta sẽ theo dõi và lên tiếng về những chuyện cần thiết ảnh hưởng tới quyền lợi công dân.”
Nhiều cuộc biểu tình phản đối ông Trump trong ngày lễ tuyên thệ đã được lên lịch và được cấp phép. Nhiều đoàn biểu tình đã tuyên bố trên các trang mạng xã hội quyết tâm gây gián đoạn lễ nhậm chức để bày tỏ những bất bình về những phát biểu và kế hoạch gây tranh cãi của ông Trump liên quan đến di dân, Hồi giáo, và phụ nữ. Chị Giao nói chị chọn lên tiếng bằng nhiều cách khác, trong đó có các cuộc vận động chính giới Hoa Kỳ, chứ không tham gia vào các cuộc biểu tình ngày ông Trump nhậm chức để ‘không tạo thêm khó khăn cho mọi người.’
Chị Ngọc Giao:
“Đó là quyền tự do biểu lộ ý tưởng. Chỉ ở Hoa Kỳ, quyền này mới được bảo vệ rõ ràng, nghĩa là họ biểu tình trật tự, ôn hòa thì có đến 200 triệu đô la đã được chi ra để bảo vệ an ninh cho ngày mai, trong đó có an ninh của tất cả những người biểu tình nữa. Đây là điều mà Việt Nam nên học hỏi.”
Một cuộc biểu tình quy mô lớn của nữ giới sẽ diễn ra ngay sau lễ tuyên thệ của ông Trump một ngày, dự kiến quy tụ khoảng 250 ngàn người, với thông điệp về nữ quyền và tiếng nói phụ nữ gửi tới vị Tổng thống từng bị tai tiếng vì các phát biểu phân biệt đối xử và coi thường phụ nữ.
Cùng với làn sóng dân chúng phản đối ông Trump, hàng chục nhà lập pháp bên đảng Dân chủ đã tuyên bố tẩy chay các buổi lễ mừng tân Tổng thống. Dù tất cả những gì liên hệ với ông Trump dường như là chưa từng thấy trước nay, nhưng đây không phải lần đầu tiên nhiều người bên đảng đối lập tẩy chay lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống. Tám chục nhà lập pháp đã không tham dự lễ nhậm chức của cựu Tổng thống Richard Nixon hồi năm 1973.
Nhiều nghệ sĩ hạng sao cũng đã từ chối lời mời tham dự lễ nhậm chức của ông Trump, trong đó có hai ngôi sao ca nhạc Elton John và Celine Dion.
Danh sách các nghệ sĩ hàng đầu góp mặt trong ngày ‘đăng quang’ của ông Trump cũng là một yếu tố đáng ngạc nhiên vì ông Trump vốn là một gương mặt quen thuộc trong giới biểu diễn, một ngôi sao truyền hình thực tế.
Tuy vậy, nhiều dạ tiệc không chính thức đã bán sạch vé từ nhiều tuần trước và lượng khách đặt phòng khách sạn cũng không thua gì hồi Tổng thống Obama nhậm chức cách đây 4 năm.
8 năm trước, các hoạt động lễ lạc ăn mừng ngày nhậm chức đầu tiên của Tổng thống Barack Obama kéo dài 5 ngày, nhưng Tổng thống tân cử Donald Trump chỉ dành 3 ngày cho các sinh hoạt này.
Cựu Tổng thống Bill Clinton có 14 dạ tiệc chính thức trong ngày tuyên thệ, ông Trump dự định chỉ tham dự 3 buổi dạ tiệc.
Các cuộc diễu hành trong lễ nhậm chức các đời Tổng thống trước đây thường kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ. Cuộc diễu hành của ông Trump trên đại lộ Pennsylvania dự kiến mất 90 phút, ngắn nhất trong lịch sử trước nay.
Ông Trump đã chọn cách ‘khởi động’ bớt hào nhoáng kể cả giữ giá vé tham dự dạ tiệc mừng Tổng thống ở mức 50 đô la để tầng lớp lao động bình dân Mỹ, thành phần đã hỗ trợ cho chiến thắng của ông hôm nay, có thể tham gia vào sự kiện trọng đại của ngày hội lịch sử này.
Ủy ban nhậm chức của ông Trump cho biết đã quyên được hơn 90 triệu đô la từ các nguồn quỹ cá nhân tặng cho các hoạt động lễ lạc mừng tân Tổng thống, cao hơn nhiều so với 53 triệu đô la ông Obama quyên được hồi năm 2009 trong lễ tuyên thệ đầu tiên.
Những nhà tài trợ trên 1 triệu đô la sẽ được dự những phần đặc biệt trong sự kiện này bao gồm vé dự bữa tiệc tối ‘dưới ánh nến’ với sự xuất hiện đặc biệt của Tổng thống và phu nhân cùng Phó Tổng thống và phu nhân.
Một phần quan trọng trong ngân quỹ cho các hoạt động lễ lạc này, kể cả buổi lễ tuyên thệ và diễu hành, do Quốc hội và quân đội chi trả. Chi phí các dạ tiệc cùng các khoản khác thường do các nguồn quỹ cá nhân đài thọ.
Lễ nhậm chức Tổng thống là ngày nghỉ liên bang tại khu vực thủ đô và vùng phụ cận. Nhân viên các công sở được nghỉ và các trường học đóng cửa.