Ngày thứ hai và cũng là ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome tiếp tục diễn ra hôm Chủ nhật, và các nhà lãnh đạo từ các nền kinh tế lớn trên thế giới hy vọng giải quyết mối đe dọa mang tính sống còn của tình trạng biến đổi khí hậu, trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, COP26, ở Glasgow, Scotland, trong tuần này.
Các nhà lãnh chuẩn bị cam kết thực hiện các bước khẩn cấp để đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, phù hợp với cam kết toàn cầu trong Hiệp định Khí hậu Paris năm 2015 nhằm giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở mức "dưới" 2 độ C trên mức thời tiền công nghiệp, và tốt nhất là ở mức 1,5 độ.
Nhóm 19 quốc gia và Liên minh châu Âu chiếm hơn 3/4 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới. Họ sẽ cần phải tìm được sự đồng thuận trong việc đạt được mục tiêu giảm phát thải, đặc biệt là cắt giảm khí mê-tan và loại bỏ dần than đá.
Trả lời các phóng viên trước thềm hội nghị thượng đỉnh, một quan chức cấp cao trong chính quyền Hoa Kỳ cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các nhà lãnh đạo khác đang hy vọng đạt được cam kết chấm dứt tài trợ nước ngoài cho sản xuất nhiệt điện than.
Ông Biden cũng sẽ tổ chức một cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh để giải quyết cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhóm 20 quốc gia tại hội nghị thượng đỉnh chiếm hơn 80% GDP thế giới và 75% thương mại toàn cầu.
Giải quyết gián đoạn thương mại toàn cầu là trọng tâm chính của chính quyền Biden, vốn lo ngại rằng những nút thắt cổ chai này sẽ cản trở sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Để giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng của quốc gia, đầu tháng này, chính quyền Biden đã công bố kế hoạch mở rộng hoạt động suốt ngày đêm, bảy ngày một tuần, tại Los Angeles và Long Beach, hai cảng chiếm 40% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển vào Hoa Kỳ.