Hai hãng tin và một nhóm trợ giúp pháp lý đóng cửa hôm thứ Năm 5/8 sau khi nhà chức trách Nga chặn các trang web của họ. 3 pháp nhân này nhận hậu thuẫn từ một nhân vật đi đầu trong việc chỉ trích Điện Kremlin.
Việc chặn website của 3 pháp nhân này là động thái mới nhất của chính quyền Nga nhắm mục tiêu vào truyền thông độc lập, những người ủng hộ phe đối lập và các nhà hoạt động nhân quyền trong thời điểm trước khi có cuộc bầu cử quốc hội Nga vào tháng 9 tới.
Các trang tin Otkrytye Media và MBKh Media, cũng như nhóm trợ giúp pháp lý Pravozashchita Otkrytki, đã thông báo ngừng hoạt động và cho biết các trang web của họ bị chặn vào tối 4/8 với cáo buộc là có quan hệ các tổ chức bị liệt vào hạng “không mong muốn” ở Nga. Đây là cách gắn nhãn đặt một tổ chức ra ngoài vòng pháp luật và làm cho các thành viên, những người ủng hộ và đối tác của tổ chức đó có nguy cơ bị truy tố.
Cả ba tổ chức này đều nhận hậu thuẫn từ ông Mikhail Khodorkovsky, một nhà tài phiệt người Nga đã chuyển đến sống ở London sau một thập kỷ ngồi tù ở Nga vì các tội danh mà nhiều người xem là sự trả thù chính trị vì ông dám thách thức quyền cai trị của Tổng thống Vladimir Putin. Các nhà chức trách Nga đã liệt một số tổ chức có liên hệ với ông Khodorkovsky vào diện "không mong muốn".
Otkrytye Media cho biết trong một tuyên bố hôm 5/8 rằng họ đã nhận được một khoản tài trợ từ ông Khodorkovsky nhưng không bao giờ làm việc với các tổ chức "không mong muốn". Tuy nhiên, hãng tin này vẫn nói rằng họ sẽ đóng cửa vì "các nhân viên của dự án gặp rủi ro quá cao". Tổng biên tập MBKh Media Veronika Kutsyllo bày tỏ quan điểm tương tự. Bà viết trên Facebook rằng bà không “sẵn lòng gây nguy hiểm cho tự do và tính mạng của người khác”.
“Thật đáng buồn, các nhà chức trách không cần các dự án truyền thông chỉ trích những gì đang xảy ra trong nước. Càng chỉ trích nhiều thì tuổi thọ của một dự án càng ngắn. Nhưng ít nhất chúng tôi cũng đã cố”, tuyên bố của Otkrytye Media có đoạn viết.
Các phương tiện truyền thông độc lập, nhà báo, những người ủng hộ phe đối lập và các nhà hoạt động nhân quyền ở Nga đã phải đối mặt với áp lực gia tăng trước cuộc bầu cử ngày 19/9. Nhiều người xem cuộc bầu cử này là một phần quan trọng trong nỗ lực của ông Putin nhằm củng cố quyền lực của mình trước cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo vào năm 2024.
Nhà lãnh đạo 68 tuổi của Nga đã nắm quyền hơn hai thập kỷ và đã thúc đẩy các thay đổi hiến pháp vào năm ngoái có khả năng cho phép ông nắm giữ quyền lực cho đến năm 2036.