Đường dẫn truy cập

Nga bỏ tù, phạt thủ lĩnh đối lập về vụ biểu tình


Thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny nói với báo chí tại tòa ở in Moscow, Nga, 27/3/2017.
Thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny nói với báo chí tại tòa ở in Moscow, Nga, 27/3/2017.

Một tòa án ở Nga hôm thứ Hai kết án thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny, cũng là một blogger chống tham nhũng, 15 ngày tù giam về tội chống cảnh sát thi hành công vụ, và phạt ông 20.000 rúp, khoảng 350 đôla, về tội danh tổ chức một cuộc biểu tình ở Moscow mà nhà chức trách Nga mô tả là “quy mô và bất hợp pháp”.

Ông Navalny bác bỏ tố cáo của chính quyền Nga mô tả cuộc biểu tình vào chiều Chủ nhật là bất hợp pháp. Cuộc biểu tình được tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động chống chính quyền không được phép, có tính cách quy mô nhất trong nhiều năm qua.

Luật sư của ông Navalny cho biết sẽ kháng án.

Ban tổ chức nói các cuộc biểu tình chống tham nhũng hôm Chủ nhật diễn ra cùn lúc tại hơn 80 thành phố trên khắp nước Nga.

Đây là các cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất ở Nga mà không có giấy phép, kể từ các cuộc tuần hành năm 2011-2012 tố cáo gian lận bầu cử khi ông Vladimir Putin trở lại nắm chức Tổng thống.

Washington "mạnh mẽ lên án" việc giam giữ những người biểu tình, trong đó có ông Navalny.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mark Toner nói:
"Giam giữ những người biểu tình ôn hòa, các nhà quan sát nhân quyền, và các nhà báo là một hành động lăng mạ các giá trị cốt lõi của dân chủ".

Ông nói Mỹ "quan ngại" về vụ bắt giữ ông Navalny, người đã loan báo ý định ra tranh chức tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2018.

Ông Boris Kagarlitsky, giám đốc Viện Nghiên cứu Toàn cầu hoá và Phong trào Xã hội, nói sự kiện hôm Chủ nhật “có thể là một bước ngoặt cho chính tình nước Nga bởi vì nó cho thấy một sự thay đổi trong xã hội Nga và người dân đã sẵn sàng bày tỏ lập trường chống đối”.

Ông Kagarlitsky nhận định: "Cuộc biểu tình này là dấu hiệu về sự xuất hiện của một thế hệ mới những người chống đối, không có mặt trong các cuộc biểu tình năm 2011-2012, thế hệ này không gắn liền với bất kỳ ý thức hệ chính trị nào hay phong trào nào có tầm chi phối lớn ở Nga".

Phần lớn người biểu tình là thanh niên nam nữ ở độ tuổi đại học. Một số nhà phân tích nói điều này cho thấy điện Kremlin và giới tinh hoa chính trị Nga đang đánh mất sự kết nối với thế hệ trẻ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG