Đường dẫn truy cập

Nga cảnh báo chính quyền Trump đừng nối lại thử vũ khí hạt nhân


Thứ trưởng Ngoại gia Sergei Ryabkov là người phụ trách kiểm soát vũ khí của Nga
Thứ trưởng Ngoại gia Sergei Ryabkov là người phụ trách kiểm soát vũ khí của Nga

Người phụ trách kiểm soát vũ khí của Nga hôm 27/12 đã cảnh báo chính quyền Mỹ sắp tới của ông Donald Trump không nên nối lại các vụ thử vũ khí hạt nhân, và nói rằng Moscow sẽ bỏ ngỏ các lựa chọn của mình trong bối cảnh mà ông cho là Washington có lập trường ‘cực kỳ thù địch’.

Việc hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới thử nghiệm hạt nhân trở lại sẽ mở ra một kỷ nguyên mới bấp bênh gần 80 năm kể từ khi Hoa Kỳ thử nghiệm quả bom hạt nhân đầu tiên tại Alamogordo, bang New Mexico, vào tháng 7 năm 1945.

Cả Nga, Mỹ và Trung Quốc đều đang tiến hành hiện đại hóa rầm rộ kho vũ khí hạt nhân của họ ngay khi các hiệp ước kiểm soát vũ khí từ thời Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ sụp đổ.

Trong một tín hiệu rõ ràng gửi đến Washington, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, người giám sát kiểm soát vũ khí, cho biết ông Trump đã có lập trường cực đoan về Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CTBT) trong nhiệm kỳ đầu tiên.

“Tình hình quốc tế cực kỳ khó khăn vào lúc này, chính sách của Mỹ ở nhiều khía cạnh là cực kỳ thù địch với chúng ta ngày nay,” ông Ryabkov trả lời trong một cuộc phỏng vấn với tờ Kommersant của Nga.

“Vì vậy, các lựa chọn để chúng ta hành động để đảm bảo an ninh và các biện pháp và hành động khả dĩ mà chúng ta có thể thực hiện để đạt mục tiêu này – và gửi đi những tín hiệu phù hợp về mặt chính trị... không loại trừ bất cứ điều gì.”

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump từ năm 2017 đến 2021, chính quyền của ông đã thảo luận về việc có nên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên của Mỹ kể từ năm 1992 hay không, Washington Post đưa tin vào năm 2020.

Vào năm 2023, Tổng thống Vladimir Putin đã chính thức rút lại việc phê chuẩn Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CTBT) để tương thích với lập trường của Mỹ

Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện được Nga ký kết vào năm 1996 và được phê chuẩn vào năm 2000. Hoa Kỳ đã ký hiệp ước này vào năm 1996 nhưng vẫn chưa phê chuẩn.

Một số chuyên gia kiểm soát vũ khí lo ngại rằng Mỹ đang hướng tới nối lại thử vũ khí hạt nhân để phát triển vũ khí mới đồng thời gửi tín hiệu đến các đối thủ như Nga và Trung Quốc.

Nga, với 5.580 đầu đạn hạt nhân và Mỹ, với 5.044 đầu đạn, cho đến nay vẫn là những cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, nắm giữ khoảng 88% lượng vũ khí hạt nhân của thế giới, theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ. Trung Quốc có khoảng 500 đầu đạn.

Trong năm thập kỷ từ năm 1945 cho đến khi Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện năm 1996, đã có hơn 2.000 vụ thử hạt nhân, trong số đó 1.032 vụ thử là của Mỹ và 715 vụ là của Liên Xô, theo Liên Hợp Quốc.

Nước Nga thời hậu Xô viết đã không thử hạt nhân một lần nào. Liên Xô thử nghiệm lần cuối vào năm 1990.
Ông Putin đã nói rằng Nga sẽ xem xét thử vũ khí hạt nhân nếu Mỹ làm vậy. Vào tháng trước, ông Putin đã hạ thấp ngưỡng cần thiết để phát động tấn công hạt nhân để đáp trả phạm vi rộng hơn các cuộc tấn công thông thường, và sau khi Moscow nói rằng Ukraine đã tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG