Vào lúc hòa đàm Syria diễn ra tại Astana, thủ đô Kazakhstan, Hoa Kỳ bị gạt sang bên lề. Đại sứ Hoa Kỳ tại Kazakhstan George Krol có mặt với tư cách quan sát viên trong khi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Syria và phe nổi dậy Syria cố gắng đạt một thỏa thuận hòa bình lâu dài.
Vòng hòa đàm Syria lần này do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran làm trung gian, không có sự tham gia trực tiếp của Hoa Kỳ.
Liệu sự thiếu vắng tiếng nói mạnh mẽ của Mỹ có đồng nghĩa là Nga có ảnh hưởng mạnh hơn ở Trung Đông? Điều này sẽ có ý nghĩa thế nào đối với ảnh hưởng trong tương lai của Mỹ ở Trung Đông?
Ông Michael Kofman, nhà nghiên cứu khoa học thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân, nói:
"Tôi chắc chắn là Nga, Iran và các nước khác hiểu rằng sẽ rất khó khăn để thực sự mở một cuộc đàm phán nghiêm túc và đạt được các lợi ích mà không có sự tham gia của Mỹ. Vì vậy, tôi tin rằng tất cả những việc này nằm trong ý đồ chính trị nhằm buộc Hoa Kỳ đứng trước một sự đã rồi, và lôi kéo Mỹ tham gia và về phần lớn đồng thuận với quan điểm mà Nga đã nêu ra".
Ngoại trưởng đề cử Rex Tillerson của Tổng thống Donald Trump thừa nhận rằng Nga, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang đặt ra các điều khoản về những gì diễn ra ở Syria. Ông Tillerson nói với các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ rằng Washington cần tiếp tục đóng một vai trò và hợp tác với các đồng minh truyền thống, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ, một đối tác NATO quan trọng và lâu đời.