Các nhà lãnh đạo Nga, Đức và Pháp hôm thứ 2 lại tổ chức một cuộc họp qua điện thoại với tân tổng thống Ukraine để tiếp tục những nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Phóng viên VOA Al pessin ghi nhận từ Luân Đôn về những nỗ lực liên quan đến các vấn đề quân sự và áp lực kinh tế với hy vọng hòa giải chính trị.
Các nhà lãnh đạo phương Tây và Nga muốn tình trạng tương đối tạm lắng của cuộc xung đột tiếp tục kéo dài nhưng tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đang bị sức ép từ công chúng muốn ông tiếp tục tấn công các phần tử ly khai do Nga hậu thuẫn. Các cuộc giao tranh trong thời gian ngưng bắn đã gây thiệt mạng cho nhiều binh sĩ Ukraine.
Cùng lúc đó, các nhà lãnh đạo Pháp và Đức lại muốn Tổng thống Nga Vladimir Putin gây ảnh hưởng đến quân ly khai để kết thúc cuộc xung đột.
Nhưng ông Putin phản kháng và nói rằng ông không kiểm soát những người tham gia cuộc chiến ở miền đông Ukraine. Các quan chức Nga nói rằng những lo sợ cái mà họ gọi là những kẻ "Phát xít” và “quá khích” ở Kyiv” là có lý.
Ngọai trưởng Sergei Lavrov đã phát biểu trên truyền hình Nga hôm thứ 7 rằng các lực lượng cánh hữu ở Kyiv đang đẩy tổng thống Poroshenko về phía cuộc xung đột với những người ly khai thân Nga. Ông cáo buộc rằng Mỹ cũng đang làm như vậy.
Lập trường của Nga dường như cứng rắn hơn sau cái chết của nhà báo Nga thứ 3 hôm chủ nhật trong cuộc giao tranh ở đông Ukraine.
Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu đe dọa Nga với điều mà thủ tướng Đức Angela Merkel gọi là “những biện pháp kiên quyết” dưới hình thức các biện pháp cấm vận kinh tế gia tăng nếu Nga không kiềm chế được quân ly khai. Nhưng các nhà lãnh đạo Nga không cho thấy dấu hiệu nào sẽ thay đổi chính sách của họ sau nhiều tháng bị cấm vận mà chủ yếu là do sáp nhập vùng Crimea của Ukraine ở miền nam.
Giám đốc chương trình Nga và Âu-Á của viện nghiên cứu Chatham House ở Luân Đôn, James Nixey, không kỳ vọng rằng thủ tướng Putin sẽ thay đổi quan điểm vào lúc này. Ông nói:
“Ông ấy đã không có một nỗ lực nghiêm túc nào để can ngăn bất cứ phần tử nổi lọan và cực đoan nào, những người thân Nga ở vùng cực đông của Ukraine. Và do đó chắc chắn rằng sẽ không có thay đổi nào trong các sách lược của Nga.”
Và ông Nixey cũng nói rằng vị thế của Nga càng được củng cố bởi sự do dự của nhiều nước trong Liên Minh Châu Âu về việc áp dụng thêm biện pháp cấm vận. Ông nói:
“Dường như sẽ không có một đợt trừng phạt mới hoặc thay đổi ngay lúc này. Tôi nghĩ rằng phương Tây đang lo lắng về việc tiến hành những động thái mạnh mẽ kiểu này mà không thực sự nắm bắt được những đòn giáng trả hoặc ảnh hưởng của nó.”
Và những ảnh hưởng đó cũng sẽ có tác động đến cả các nước phương Tây, nhiều nước trong số đó phụ thuộc vào thương mại với Nga, đặc biệt là nhập khẩu dầu, để giữ cho nền kinh tế vốn yếu ớt khỏi rơi trở lại vào khủng khoảng.
Các chuyên gia cho rằng gia hạn cuộc ngừng bắn và tiếp tục đàm phán có thể vẫn sẽ là phần dễ nhất. Việc khó hơn là tìm kiếm một phương thức chính trị mà có thể làm vừa lòng Nga và các phần tử ly khai mà không ép Ukraine phải từ bỏ thêm một phần lãnh thổ nào nữa.