Nga đã tấn công các cảng của Ukraine hôm 18/7, một ngày sau khi rút khỏi thỏa thuận do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn để cho phép Kiev xuất khẩu ngũ cốc, và Moscow cũng tuyên bố có bước tiến trên thực địa trong khu vực mà các quan chức Ukraine cho biết quân Nga đã quay lại thế tấn công.
Nga cho biết họ đã tấn công các kho chứa nhiên liệu ở Odesa và một nhà máy chế tạo xuồng không người lái cũng ở Odessa, nằm trong chiến dịch ‘tấn công trả thù quy mô lớn’ để đáp lại hành động của Ukraine tấn công phá sập cầu đường bộ dẫn đến Bán đảo Crimea bị Nga chiếm đóng.
Ngay sau khi cây cầu bị tấn công hôm 17/7, Moscow đã rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc do Liên Hợp Quốc làm trung gian vốn đã thực thi được một năm, động thái mà Liên Hợp Quốc nói là có nguy cơ gây ra nạn đói tại nhiều nơi trên thế giới.
Các mảnh vỡ rơi xuống và sức công phá từ các vụ nổ đã làm hư hại một số ngôi nhà và cơ sở hạ tầng không xác định tại Odesa, một trong những hải cảng chính của Ukraine, theo Bộ chỉ huy quân sự miền nam Ukraine. Chính quyền địa phương ở Mykolaiv, một hải cảng khác, báo cáo xảy ra một đám cháy nghiêm trọng.
Các cuộc tấn công của Nga vào các cảng của Ukraine đưa ra ‘thêm bằng chứng cho thấy quân khủng bố nhà nước muốn làm hại cuộc sống của 400 triệu người ở nhiều quốc gia khác nhau vốn phụ thuộc vào xuất khẩu lương thực của Ukraine’, ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết.
Không quân Ukraine cho biết sáu hỏa tiễn Kalibr và 31 trong số 36 máy bay không người lái đã bị bắn hạ. Về phần mình, Moscow cho biết họ đã chặn đứng một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào bán đảo Crimea mà không có thiệt hại lớn trên mặt đất, và mở lại một làn duy nhất cho xe cộ lưu thông qua cầu Crimea.
Sáu tuần kể từ khi Ukraine phát động phản công ở phía đông và phía nam, Nga đang tiến hành một cuộc tấn công trên bộ ở phía đông bắc.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân của họ đã tiến được 2 km trong vùng xung quanh Kupiansk, một đầu mối đường sắt tiền tuyến vốn bị Ukraine chiếm lại trong một cuộc tấn công vào năm ngoái. Kiev thừa nhận tình hình ‘phức tạp’ ở khu vực.
Ukraine và Nga đều nằm trong số các nước xuất khẩu ngũ cốc và thực phẩm lớn nhất thế giới. Nếu ngũ cốc Ukraine một lần nữa không đến được thị trường, giá cả có thể tăng vọt trên toàn thế giới, tác động nặng nhất đến các nước nghèo nhất.
“Quyết định hôm nay của Liên bang Nga sẽ giáng đòn mạnh vào những người cần cứu đói ở khắp mọi nơi,” Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu hôm 18/7.
Moscow đã bỏ ngoài tai lời kêu gọi của Ukraine là cho phép nối lại các chuyến hàng mà không có sự tham gia của Nga, và Điện Kremlin công khai nói rằng các tàu bè tiến vào mà không có sự đảm bảo của họ sẽ gặp nguy hiểm.
“Chúng ta đang nói về khu vực gần vùng chiến sự,” phát ngôn nhân Điện Kremlin Dmitry Peskov nói. “Nếu không có đảm bảo an ninh thích hợp, sẽ có một số rủi ro nhất định. Vì vậy, nếu điều gì đó được thỏa thuận chính thức mà không có sự tham gia của Nga, những rủi ro này nên được tính đến.”
Nga cho biết họ có thể quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc, nhưng chỉ khi các yêu cầu của họ được đáp ứng là nới lỏng các quy tắc cho xuất khẩu thực phẩm và phân bón của họ. Các nước phương Tây xem đó là nỗ lực tận dụng đòn bẩy lương thực để làm suy yếu các biện pháp trừng phạt tài chính, vốn cho phép Nga xuất khẩu lương thực.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã kêu gọi tiếp tục thực thi thỏa thuận ngũ cốc mà không có Nga, tìm kiếm sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ để vô hiệu sự phong tỏa của Nga. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, người bảo trợ thỏa thuận, nói ông nghĩ Moscow có thể được thuyết phục quay lại thỏa thuận.
Diễn đàn