Nga và Trung Quốc đang tổ chức một loạt các cuộc tập trận hải quân và không quân chung trong tháng này nhằm tăng cường quan hệ và chống lại sự phối hợp an ninh gia tăng giữa Hoa Kỳ và các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương , theo giới phân tích.
“Nga muốn chứng minh rằng họ có thể tham gia vào một cuộc chiến tranh toàn diện với Ukraine trong khi triển khai nguồn lực đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Trung Quốc muốn chứng minh rằng họ có thể tăng cường mối quan hệ với Nga và gây ra các vấn đề trong khu vực, chủ yếu là ở Biển Đông nhưng cũng có thể xảy ra xung quanh Nhật Bản”, ông Stephen Nagy, chuyên gia an ninh khu vực tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế ở Nhật Bản, nhận định.
Hôm 9/9, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói cả hai nước sẽ tiến hành các cuộc tập trận hải quân và không quân chung nhằm tăng cường hợp tác chiến lược song phương và tăng cường khả năng ứng phó với các mối đe dọa an ninh ở vùng biển và không phận gần Biển Nhật Bản và Biển Okhotsk.
Ngoài cuộc tập trận chung gần Nhật Bản, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết các hạm đội hải quân Trung Quốc và Nga sẽ tiến hành cuộc tuần tra chung thứ năm ở Thái Bình Dương và tham gia cuộc tập trận chiến lược “Đại dương 2024” do Nga tổ chức. Ngày 10/9, tờ Moscow Times đưa tin cuộc tập trận kéo dài một tuần đã bắt đầu và sẽ kéo dài từ ngày 10 đến ngày 16 tháng 9.
“Nga hy vọng sẽ tăng áp lực lên Hoa Kỳ ở mặt trận Thái Bình Dương thông qua cuộc tập trận quân sự chung với Trung Quốc, có thể buộc Washington phải giảm triển khai quân sự tới châu Âu”, ông Lin Ying-yu, một chuyên gia quân sự tại Đại học Tamkang ở Đài Loan, đánh giá.
Mặt khác, ông nói thêm rằng Trung Quốc hy vọng sẽ chuyển hướng sự chú ý của Nhật Bản khỏi vùng biển gần Eo biển Đài Loan thông qua quan hệ đối tác quân sự chặt chẽ hơn với Nga.
“Nhật Bản sẽ phải ưu tiên tập trung vào các mối đe dọa đối với an ninh của họ và vì vậy họ không rộng tay để tập trung vào tình hình trên khắp Eo biển Đài Loan”, ông Lin nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Sự hợp tác quân sự gia tăng giữa Trung Quốc và Nga gần Nhật Bản trong những năm gần đây đã khiến Tokyo xem các hoạt động chung Nga-Trung là “mối quan ngại nghiêm trọng”.
“Những hoạt động chung liên tục này rõ ràng là nhằm mục đích phô trương sức mạnh chống lại Nhật Bản và là mối quan ngại nghiêm trọng từ góc độ an ninh quốc gia của Nhật Bản”, Bộ Quốc phòng Nhật Bản viết trong sách trắng quốc phòng thường niên được công bố vào tháng 7.
Hiện tại, ông Nagy cho biết Nhật Bản quan tâm nhiều hơn đến cách thức hợp tác quân sự có thể phát triển, đồng thời nói thêm rằng vẫn còn những hạn chế đối với những gì hai bên có thể cùng nhau thực hiện khi tiến hành các cuộc tập trận.
“Nhật Bản sẽ lo ngại về việc liệu sự phối hợp giữa Trung Quốc và Nga có được sử dụng để làm mất ổn định các tuyến liên lạc đường biển, để chống đỡ cho Triều Tiên hay hướng tới một số hình thức thống nhất cưỡng bức với Đài Loan hay không”, ông nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Người Nga và người Trung Quốc sẽ đi tàu cạnh nhau, bay cạnh nhau hoặc phối hợp cách di chuyển của tàu của họ nhưng họ chưa phát triển được khả năng tương tác và liên chỉ huy”.
Tăng cường hậu cần, hợp tác liên lạc
Mặc dù có những hạn chế trong hợp tác của họ, các nhà phân tích khác cho biết Nga và Trung Quốc vẫn sẽ sử dụng các cuộc tập trận chung để tăng cường hợp tác về hậu cần, chẳng hạn như trao đổi phụ tùng, nhiên liệu hoặc dịch vụ hoặc chia sẻ dữ liệu hoặc kênh truyền thông.
“Khả năng hiểu rõ hơn về nhau và hỗ trợ nhau tốt hơn trên chiến trường của quân đội Trung Quốc và Nga là năng lực quan trọng cần phát triển cho cả hai nước”, ông Drew Thompson, nghiên cứu viên cao cấp thỉnh giảng tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, trả lời VOA qua điện thoại.
Ngoài ra, ông Lin ở Đài Bắc cho biết Trung Quốc cũng có thể tăng cường năng lực chiến đấu của lực lượng thông qua các cuộc tập trận chung với Nga vì lực lượng Nga đã tích lũy được kinh nghiệm chiến đấu thực tế từ cuộc chiến của Moscow ở Ukraine.
“Vì hải quân Nga đã từng đối phó với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hoặc phi đạn chống hạm do Ukraine phát động, nên hải quân Trung Quốc có thể học từ đối tác Nga cách đối phó với các cuộc tấn công tương tự trong một cuộc chiến tiềm tàng trên Eo biển Đài Loan”, ông nói với VOA.
Đẩy lùi NATO
Cuộc tập trận sắp tới của Trung Quốc và Nga gần Nhật Bản là một phần trong nỗ lực ngày càng tăng của họ nhằm đẩy lùi Hoa Kỳ và các đồng minh NATO. Kể từ tháng 7 năm nay, Bắc Kinh và Moscow đã tổ chức ít nhất ba cuộc tập trận chung ở các khu vực khác nhau trên thế giới, bao gồm Biển Đông, vùng trời ngoài khơi bờ biển Alaska và Vịnh Phần Lan.
“Những cuộc tập trận gia tăng này trên khắp thế giới là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh và Moscow nhằm chống lại sự phối hợp quốc phòng ngày càng sâu sắc giữa Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này, cả ở châu Âu và Thái Bình Dương”, ông Sari Arho Havren từ Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia trả lời phỏng vấn VOA.
Mặc dù nỗ lực thách thức Hoa Kỳ và NATO thông qua hợp tác quân sự chặt chẽ hơn, ông Nagy nói Trung Quốc và Nga khó có thể để quan hệ đối tác của họ leo thang quá mức.
“Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục đáp lại những gì Hoa Kỳ và các đồng minh đang làm, nhưng không leo thang vì Bắc Kinh muốn duy trì câu chuyện của mình với Nam Bán cầu rằng họ không phải là một cường quốc bá quyền”, ông nói với VOA.
Vào ngày 10/9, chính quyền Trung Quốc cho biết Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc đàm phán cấp chỉ huy lần đầu tiên khi Đô đốc Sam Paparo, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã có cuộc gọi điện thoại video với Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Ngô Á Nam. Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ tập trung vào việc tăng cường an ninh và ổn định ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các điểm nóng bao gồm Biển Đông và Eo biển Đài Loan.
Diễn đàn