Trong khi một cuộc họp thượng đỉnh Á Âu đã bắt đầu ở Tajiskistan hôm thứ Năm, các nhà phân tích nói Moscow có thể nhân cuộc họp song phương để tăng cường sự ủng hộ.
Nga sẽ nắm quyền kiểm soát Tổ chức Hợp Tác Thượng Hải (gọi tắt là SCO) cho năm tới tại cuộc họp thượng đỉnh 2 ngày giữa Trung Quốc, Nga và 4 nước Trung Á ở Dushanbe.
Diễn đàn chính trị, kinh tế và an ninh này diễn ra vào lúc Moscow phải đối mặt với sự cô lập ngày càng nhiều từ phía châu Âu và Mỹ cùng các biện pháp chế tài kinh tế của phương Tây.
Ông Alecksei Maslov, người đứng đầu của Trung Tâm Nghiên Cứu Phương Đông của Khoa Kinh Tế Trường Đại Học Nghiên Cứu Quốc Gia, nói rằng Nga có thể sử dụng nhiệm kỳ chủ tịch SCO trong năm tới để quyết định chương trình nghị sự của tổ chức này. Ông nói:
“Chắc chắn rằng nó sẽ mang đến một lực bẩy nới cho Nga trong việc ảnh hưởng đến tình hình quốc tế sau khi Nga tiếp nhận chức chủ tịch luân phiên của SCO sau hội nghị thượng đỉnh này,” ông Maslov nói. “Đó là bởi vì Nga sẽ quyết định chương trình nghị sự của SCO trong năm tới và Nga sẽ tìm cách gây ảnh hưởng lên ban Thư Ký của SCO ở Bắc Kinh và trung tâm chống khủng bố SCO. Những điều này rất quan trọng để Nga để tăng cường áp đặt ảnh hưởng.”
Nga có thể sử dụng SCO để gây dựng sự ủng hộ nhưng họ sẽ phải cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc bên trong tổ chức này.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã sử dụng SCO để mở rộng các liên minh ở Trung Á là khu vực ảnh hưởng truyền thống của Nga.
Bộ Trưởng Ngoại Giao Nga Sergei Lavrov nói Nga sẽ làm cho SCO năng động hơn và tăng cường quan hệ giữa các nước thành viên, các nước quan sát và các tổ chức quốc tế.
Trong thời gian diễn ra hội nghị này, các nhà lãnh đạo sẽ chung quyết các quy định làm thế nào để mở rộng tổ chức và thu nhận các thành viên mới. Ông Yury Ushakov, một trợ lý của ông Putin, nói Ấn Độ và Pakistan sẽ trở thành thành viên của SCO trong năm tới – các thành viên mới đầu tiên của tổ chức này kể từ khi thành lập vào năm 2001.
Trong những năm gần đây, Nga đã vận động để Ấn Độ trở thành 1 thành viên để nhằm cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quốc gia thành viên gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.
Ông Maslov tin rằng Trung Quốc sẽ thúc đẩy Pakistan trở thành một thành viên mới để đáp lại việc ấy. Nhưng ông không cho rằng việc mở rộng này sẽ sớm diễn ra.
“Mặc dù các thành viên của SCO là bình đẳng với nhau trên bề mặt nhưng các nước Trung Á thực ra là đồng minh với Trung Quốc bởi vì Trung Quốc cung cấp các khoản vay (cho họ), đào tạo và cơ sở hạ tầng trên diện rộng,” ông Maslov nói.
Tuy nhiên, do có những mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Ấn Độ và các vấn đề tồn tại từ lâu giữa Ấn Độ và Pakistan, chức năng và ảnh hưởng của SCO có thể bị giảm đi nếu 2 nước này tham gia.