Đường dẫn truy cập

Nga, Việt Nam thảo luận các dự án khí đốt mới giữa chế tài của phương Tây 


Logo của tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga tại Saint Petersburg. Gazprom là một trong những công ty chủ chốt của Nga thực hiện các dự án hợp tác tiềm năng mới về khí đốt giữa Nga và Việt Nam.
Logo của tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga tại Saint Petersburg. Gazprom là một trong những công ty chủ chốt của Nga thực hiện các dự án hợp tác tiềm năng mới về khí đốt giữa Nga và Việt Nam.

Nga tuyên bố Việt Nam có thể tham gia vào các dự án sản xuất khí đốt ở nước này và có thể cung cấp dầu cho quốc gia Đông Nam Á trong lúc Moscow đang chịu các chế tài của phương Tây do tiến hành cuộc xâm lược ở Ukraine trong gần 4 tháng qua.

Kể từ khi Nga bị Mỹ và các nước phương Tây cô lập về cả kinh tế và ngoại giao do khởi động cuộc chiến tranh ở Ukraine từ cuối tháng 2 đến nay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn tiếp tục có mối quan hệ thân thiết và hợp tác với Nga.

“Trong cuộc gặp với phía Việt Nam, chúng tôi đã thảo luận các dự án hợp tác tiềm năng do các công ty của chúng tôi triển khai”, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak được Interfax trích lời nói với các phóng viên bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hôm 17/6.

Cùng đưa tin về việc này, TASS, hãng tin lớn nhất của nhà nước Nga, trích lời ông Novak nói rằng phía Nga và Việt Nam đã thảo luận về các dự án hợp tác sản xuất mới ở Nga.

Còn theo Interfax, hãng tin độc lập của Nga, ông Novak cho biết rằng Nga “cũng đã thảo luận các dự án mới để phát triển các mỏ khí đốt ở Việt Nam” và các công ty chủ chốt của Nga tham gia hợp tác gồm Zarubezhneft và Gazprom.

Zarubezhneft, tập đoàn dầu khí nhà nước Nga, hiện đang có 49% vốn sở hữu trong liên doanh VietsoPetro, hiện đang cung cấp khoảng 1/3 sản lượng dầu thô của Việt Nam. Trong khi đó, Gazprom, tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga, cũng có nhiều dự án khai thác dầu khí ở Việt Nam, trong đó có dự án hợp tác với VietsoPetro được ký cách đây 3 năm.

Truyền thông Việt Nam không đưa tin về phát biểu của Phó Thủ tướng Novak về các dự án tiềm năng mới giữa Nga và Việt Nam. Chỉ có trang tin Sputnik của Nga phiên bản tiếng Việt trích dẫn ông Novak nói rằng Việt Nam quan tâm đến việc tham gia các dự án sản xuất dầu tại Liên bang Nga.

Vẫn theo Sputnik, ông Novak còn cho biết rằng Nga đã trao đổi về việc cung cấp dầu và các sản phẩm dầu đến Việt Nam.

Ông Novak không đưa ra chi tiết về các dự án hợp tác giữa hai nước nhưng cho biết “mọi thứ đều tốt, đều tích cực” và rằng hai bên “sẽ làm việc cùng nhau,” theo Interfax.

Trong tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga đến năm 2030 được đưa ra hồi cuối năm ngoái, Việt Nam nói sẽ ủng hộ triển khai các dự án hiện có hoặc mới với sự tham gia của PetroVietnam và các công ty Nga như Zarubezhneft và Gazprom.

Dù kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga không nhiều, kém xa so với gần 100 tỷ USD giữa Việt Nam và Mỹ, nhưng hợp tác với Nga chiếm khoảng 85% tổng sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam. Liên doanh VietsoPetro, sau 40 năm hợp tác, vẫn là trụ cột của ngành thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam.

Việt Nam, một đối tác chiến lược thân cận của Nga, nằm trong số các quốc gia bỏ phiếu trắng đế tránh lên án cuộc xâm lược của Nga tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trước khi bỏ phiếu chống lại một nỗ lực khác do Mỹ dẫn đầu nhằm đình chỉ Nga, nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam, khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Giữa lúc phương Tây và một số quốc gia châu Á khác áp đặt các chế tài nặng nề nhất từ trước tới nay đối với Nga thì Nga hồi đầu tháng 3 công bố triển vọng hợp tác với Việt Nam, mà Nga coi là một trong những đối tác quan trọng của họ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong thời gian tới.

Hồi tháng 4, truyền thông Nga trích dẫn thông báo của quân khu miền Đông Nga nói rằng nước này và Việt Nam đang lập kế hoạch tiến hành tập trận chung. Việt Nam không phủ nhận hay khẳng định thông tin đó nhưng cho biết sẽ tham dự Hội thao quân sự quốc tế do Nga tổ chức trong năm nay.

VOA Express

XS
SM
MD
LG