Tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ đến thăm Nam Triều Tiên trong tuần này, vào thời điểm có những chuyển biến chính trị lớn có thể làm phức tạp mối quan hệ đồng minh giữa Seoul và Washington.
Hàn Quốc đang chìm trong cuộc chính biến tiếp theo sau phán quyết chấp thuận luận tội bà Park Geun Hye, tổng thống bị truất nhiệm vì bị cáo buộc dính líu vào một vụ bê bối tham nhũng hàng triệu đôla.
Các thủ lãnh cấp tiếp đối lập, những người không đồng quan điểm với Hoa Kỳ về các chính sách Bắc Hàn, đang nổi lên và có nhiều khả năng sẽ thắng cuộc bầu cử tổng thống sắp được tổ chức.
Nhưng tân Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ chỉ nhìn thấy sự hợp nhất trong tuần này khi ông đến thăm các lực lượng quân sự Mỹ đang phối hợp với các lực lượng của Nam Triều Tiên trong một cuộc thao dượt quân sự chung có cả hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson chạy bằng năng lượng hạt nhân tham gia trong một cuộc phô diễn sức mạnh để đối lại khả năng tên lửa và hạt nhân đang phát triển của Bắc Triều Tiên.
Bắc Hàn cảnh cáo sẽ tấn công “tàn khốc” nếu hàng không mẫu hạm của Mỹ vi phạm chủ quyền và tư cách của Bình Nhưỡng.
Và Ngoại trưởng Tillerson có lẽ cũng chỉ nghe được những lời ủng hộ chính sách của Mỹ khi ông gặp gỡ với Quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn và Bộ trưởng Ngoại giao Yun Byung-Se. Cả hai giới chức lâm thời theo chủ trương bảo thủ này đều tán đồng quan điểm Mỹ cần tăng mạnh các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Hàn để tăng sức ép buộc lãnh tụ Kim Jong Un giải trừ vũ khí hạt nhân.
Và các giới chức này cũng ủng hộ việc triển khai hệ thống THAAD ở Nam Triều Tiên để làm lá chắn phòng thủ tên lửa chống Bắc Triều Tiên.
Nhiều người theo quan điểm bảo thủ đồng ý với ông Thae Young Ho, cựu phó đại sứ Bắc Hàn ở London cho đển khi đào tị sang Nam Hàn, rằng lãnh tụ Kim Jong Un sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Ông Thae nhận định: "Tôi bảo đảm chắc chắn rằng cách duy nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân cốt lõi của Bắc Triều Tiên là phải loại bỏ chế độ Kim Jong Un."
Tuy nhiên ông Moon Jae-in, ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Ðảng Dân chủ Triều Tiên muốn đi theo hướng tiếp cận ít đối đầu hơn và thỏa thuận với chính phủ của ông Kim.
Ông Moon phát biểu: "Chúng ta không thể chối bỏ sự thật người cai trị nhân dân Bắc Triều Tiên là ông Kim Jong Un. Chúng ta không có chọn lựa nào khác hơn là phải công nhận ông Kim Jong Un là một đối tác/đối tượng, cho dù chúng ta muốn áp lực và trừng phạt hay muốn đối thoại."
Mặc dù những nỗ lực trong quá khứ thúc đẩy thay đổi bằng những tương tác kinh tế cuối cùng đã thất bại trong mục tiêu không để cho Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, Bình Nhưỡng thực sự đã chậm lại trong chương trình phát triển hạt nhân, và điều đó ủng hộ cho quan điểm đã đến lúc thử lại đối thoại.
Nhiều người Nam Triều Tiên cũng không tán đồng kế hoạch thiết đặt hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD, trong lúc Bắc Kinh cực lực chống đối kế hoạch đó và tin tức cho hay Trung Quốc đang tăng cường trả đũa bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào các doanh nghiệp của Nam Triều Tiên.