Đường dẫn truy cập

Giới hoạt động, quan chức Mỹ bắt đầu 'Ngày Vận động cho Việt Nam' 2020


Uỷ viên USCIRF Anurima Bhargava và Giám mục Nguyễn Thái Hợp tham gia Hội luận Ngày Vận động Việt Nam hôm 31/7/2020.
Uỷ viên USCIRF Anurima Bhargava và Giám mục Nguyễn Thái Hợp tham gia Hội luận Ngày Vận động Việt Nam hôm 31/7/2020.

Ngày Vận động cho Việt Nam, dịp các nhà lập pháp trong Quốc hội Hoa Kỳ trực tiếp lắng nghe nguyện vọng của các nhà hoạt động người Việt đến từ khắp nơi trên nước Mỹ và cả từ Việt Nam trong một nỗ lực gây chú ý về tình hình tự do tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam, bắt đầu sáng ngày 31/7.

Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cuộc vận động được thực hiện trực tuyến bắt đầu vào sáng ngày 31/7 với các cuộc hội luận về tự do tôn giáo, quyền của người bản địa.

Theo một thông cáo của ban tổ chức, Ủy ban Cứu Người vượt biển (BPSOS), thứ Sáu tuần sau 7/8, Ngày Vận động cho Việt Nam sẽ thảo luận quyền tự do biểu đạt và internet, tù nhân lương tâm, bài trừ tra tấn, và sẽ kết thúc vào ngày 14/8 sau khi thảo luận việc khai dụng các định chế nhân quyền cũng như các biện pháp chế tài.

Các diễn giả tham gia hội luận Ngày Vận động cho Việt Nam sáng ngày 31/7/2020. Photo BPSOS
Các diễn giả tham gia hội luận Ngày Vận động cho Việt Nam sáng ngày 31/7/2020. Photo BPSOS

Thành phần diễn giả bao gồm các giới chức của chính phủ Hoa Kỳ, các chuyên gia LHQ, đại diện của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, và đặc biệt các lãnh đạo tinh thần, các nhân chứng và các người đấu tranh nhân quyền người Việt ở trong và ngoài Việt Nam.

“Các diễn giả người Việt không chỉ cập nhật hiện trạng nhân quyền ở Việt Nam mà còn chia sẻ kinh nghiệm về các cách làm hiệu quả và đề ra phương hướng hành động tích cực,” Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, cho biết trong một thông cáo hôm 30/7.

Thông cáo cho biết thêm rằng phía chính quyền Hoa Kỳ sẽ có sự tham gia của Đại Sứ Lưu động đặc trách Tự Do Tôn giáo Quốc tế Sam Brownback, Uỷ Viên kiêm Phó Chủ tịch Uỷ hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) Anurima Bhargava, Uỷ Viên USCIRF James Carr, Dân biểu Glenn Grothman, Dân biểu Alen Lowenthal, TNS Marco Rubio… Đặc biệt, sẽ có sự tham gia của Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về Tự do Tôn giáo hay Niềm tin Ahmed Shaheed.

Uỷ viên USCIRF Anurima Bhargava phát biểu hôm 31/7/2020.
Uỷ viên USCIRF Anurima Bhargava phát biểu hôm 31/7/2020.

Trả lời phỏng vấn VOA trong buổi hội luận sáng 31/7, bà Anurima Bhargava, Uỷ viên USCIRF, người bảo trợ cho tù nhân lương tâm tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển, nói rằng bà sẽ tiếp tục vận động để chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Truyển, người đang thụ án 12 năm tù với cáo buộc “Lật đổ chính quyền”.

Bà nói:

“Hiện tại ông ấy đang phải đối mặt với một số vấn đề về sức khỏe và các thách thức y tế và trong điều kiện rất khó để bất kỳ ai có thể đến thăm hoặc có thể cung cấp ngay cả các loại thuốc và các nhu yếu phẩm cần thiết cho ông ấy”.

“Đó là điều mà chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng, đặc biệt khi chúng tôi thấy những người đang bị giam giữ chỉ vì sự vận động cho tự do tôn giáo và đức tin của họ mà phải đối mặt với những đe dọa và nguy hiểm như vậy”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động cho ông ấy cũng như các trường hợp khác trên khắp Việt Nam, nơi mọi người bị cầm tù chỉ vì cố gắng thực hiện quyền tự do tôn giáo của mình”.

Nhận định về Luật Tín ngưỡng & Tôn giáo của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, nhưng việc thực thi vẫn còn nhiều rào cản tại địa phương, bà Bhargava nói: “Chúng tôi tiếp tục cố gắng và buộc Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những cách thức mà Luật Tín ngưỡng & Tôn giáo đang tạo ra một môi trường mà không phục vụ cho mọi người thuộc mọi tín ngưỡng”.

Từ Hà Tĩnh, Giám mục Nguyễn Thái Hợp, phát biểu tại Hội luận:

“Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do đi lại, nhưng trong thực tế có những vùng cấm mà linh mục và tu sĩ, và giáo dân không được phép đặt chân đến”.

“Việt Nam là một trong những nước được nổi tiếng về hệ thống công an chìm. Trong thời gian qua, rất nhiều nhà báo bị bắt vì tranh đấu cho nhân quyền, vì bảo vệ môi sinh”.

Giám mục Nguyễn Thái Hợp
Giám mục Nguyễn Thái Hợp

“Nhà cầm quyền vẫn tiếp tục sử dụng lực lượng dư luận viên để đả phá tôn giáo trên mạng truyền thông với những lời lẽ và hình ảnh bẩn thỉu, tục tĩu để bôi nhọ các chức sức tôn giáo”

Giám mục Nguyễn Thái Hợp kết luận: “Nhà cầm quyền Việt Nam vẫn nhìn tôn giáo dưới lăng kính chính trị và ý thức hệ… Họ đã và đang tiêu tốn nhiều tiền của, nhân lực để theo dõi, đe dọa, dò xét, kìm phá các hoạt động tôn giáo”.

Đây là năm thứ 9 BPSOS tổ chức chương trình tổng vận động này, với sự kiện đầu tiên được tổ chức vào năm 2012 tại thủ đô Washington.

Trong diễn biến liên quan, hôm 30/7, TNS John Cornyn và TNS Marco Rubio, cùng gửi một bức thư cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo kêu gọi xem xét áp dụng Đạo luật Magnitsky Toàn cầu để chế tài các quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền và đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo, còn gọi là CPC.

VOA Express

XS
SM
MD
LG