Đầu tuần này tôi đưa một người bạn tới hạt Essex ghi sổ chia buồn với các nạn nhân và gia đình. Tôi cũng ghi vào sổ lời cảm ơn những lời nói và cử chỉ tử tế của người Anh. Hàng trăm người, trong đó có cả thủ tướng và bộ trưởng nội vụ Anh, đã ghi lời chia buồn cũng như mang hoa tới tưởng niệm nạn nhân. Họ mang hoa ra cả vườn hoa gần trụ sở hội đồng địa phương Thurrock và cả tại khu công nghiệp mà tại đó người ta phát hiện ra thi thể 39 người.
Còn các quan chức Việt Nam thì sao? Cả đại sứ Việt Nam tại Anh cũng như đoàn của Bộ Công an đều đã tới hạt Essex. Nhưng tôi không hề thấy nói gì tới chuyện họ ghi lời chia buồn vào sổ. Có thể họ có ghi nhưng không muốn ai biết theo chủ trương “không làm lớn chuyện” của chính quyền. Có thể họ chẳng quan tâm. Trong khi đó hàng vạn người Việt đã bày tỏ cảm xúc của họ sau khi xem video tôi làm để tưởng niệm những người xấu số.
Tôi cũng để ý xem liệu Đại sứ quán Việt Nam ở Anh có mở sổ chia buồn với gia đình các nạn nhân không. Nhưng cho tới giờ chưa thấy tin tức gì về chuyện này. Cũng chưa thấy các địa phương, nơi có nhiều gia đình cho rằng con em họ đã chết, có hành động gì đáng nói để chia sẻ mất mát với người dân.
Trong khi đó cảnh sát và các cơ quan cứu hộ ở Essex cũng như Đại sứ quán Anh ở Việt Nam đã tổ chức phút tưởng niệm các nạn nhân. Có người đã bình luận trên Facebook rằng chính cách nước Anh đối xử với những người đã qua đời khiến họ giờ cũng muốn đi Anh.
Trang Thông tin Chính phủ hôm 5/11 còn nhanh nhẩu viết nguyên văn: “CHIỀU NAY HOẶC SÁNG MAI, ĐOÀN CÔNG TÁC VIỆT NAM PHỐI HỢP PHÍA ANH SẼ CÔNG BỐ DANH TÍNH CÁC NẠN NHÂN.” Có lẽ họ sốt ruột muốn kết thúc vụ này càng sớm càng tốt. Nhưng rồi sang tới 6/11 đã vội thêm chữ “CÓ THỂ” vào đầu câu. Cho tới hết ngày 6/11, không hề có tin tức gì được công bố về danh tính nạn nhân.
Phía Anh trong khi đó không hề nói gì về chuyện sớm công bố danh tính nạn nhân mà nhấn mạnh: “Ưu tiên của chúng tôi tiếp tục là điều tra tỉ mỉ và kỹ lưỡng tội phạm dẫn tới cái chết của các nạn nhân, đảm bảo phẩm giá của những người đã chết và hỗ trợ bạn bè và gia đình họ.”
Khi ghi sổ chia buồn hôm 28/10, Thủ tướng Boris Johnson viết các nạn nhân là “những người vô tội đang hy vọng có cuộc sống tốt đẹp hơn” ở nước Anh. Ông cũng không hề giao nhiệm vụ cho bất cứ ai như vị thủ tướng Việt Nam.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc hôm 5/11 nói Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin tuyên truyền về các đường dây lừa đảo người dân xuất cảnh trái phép, vi phạm luật pháp Việt Nam và nước ngoài, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc vụ việc của các đối tượng chính trị phản động, kích động, chống phá.” Đây là lý do tôi phải sang Anh làm báo vì ở Việt Nam hay bị các ông chính trị gia đã không biết gì về báo chí nhưng lại cứ thích giao việc.
Nhân dịp này cũng muốn hỏi ông Nguyễn Hạnh Phúc rằng ông đã tìm ra danh tính chín người “đi nhờ chuyên cơ” của Chủ tịch Quốc hội sang Hàn Quốc và trốn ở lại chưa. Ông nói với truyền thông trong nước rằng Bộ Công an đã “thẩm tra nhân thân từng người” đi nhờ chuyên cơ mà sao vẫn lọt tới chín người? Câu hỏi lớn hơn là tại sao công dân tại đất nước do ông Xuân Phúc và Hạnh Phúc cai quản mà người ta cứ tìm đủ mọi cách ra đi?
Nhân vụ 39 người chết thảm trong công-ten-nơ lần này, tôi nhớ lại chuyện từng nghe rằng cách đây vài năm đã có tám người Việt chết ngạt trên đường từ một nước giáp EU đi vào khối này nhưng chưa vào tới. Vụ đó người ta còn cho rằng chính đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại đã làm giấy mời cho nhóm tám người sang nước giáp EU. Tôi cũng đã gửi điện thư hỏi đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại, hỏi Bộ Ngoại giao và hỏi trang Thông tin Chính phủ từ hôm 31/10. Cho tới nay chưa có bất cứ ai trả lời. Nhưng nếu chuyên cơ người ta còn đi nhờ được thì nhờ làm giấy mời có gì là khó?
Thực tế người Việt đã di cư trái phép vào các nước châu Âu trong đó có Anh từ hàng chục năm nay. Tại một đất nước công an trị như Việt Nam, tôi không nghĩ công an không biết khi bỗng thấy người ta biến mất khỏi địa bàn hoặc có những làng bỗng giàu lên trông thấy. Nhất là khi Anh quốc đã đề cập tới vấn đề này với Việt Nam từ nhiều năm nay. Bởi vậy một số cán bộ công an và ngoại giao Việt Nam nên bỏ mặt nạ và ngưng những giọt nước mắt cá sấu. Thảm trạng vừa xảy ra có phần đóng góp của những người chỉ chăm vơ vét cho đầy túi mà chẳng cần biết người dân sống chết ra sao. Bảo hộ công dân cần làm khi họ còn sống. Khi chết rồi, mà lại chết ở nơi xa xôi, hãy để nước Anh bảo hộ cho nó lành.