Đường dẫn truy cập

Cái nghĩa trang đi ngược lòng dân


Mô hình Nghĩa trang Yên Trung dự trù kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng dành cho các lãnh đạo cấp của Việt Nam. (Ảnh: VietnamFinance)
Mô hình Nghĩa trang Yên Trung dự trù kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng dành cho các lãnh đạo cấp của Việt Nam. (Ảnh: VietnamFinance)

Suốt 5 tuần lễ vừa qua, vô vàn Facebook và hàng trăm blog tự do bàn tán sôi nổi về quyết định của Bộ Chính Trị xây dựng một Nghĩa trang lớn tại huyện Thạch Thất, ở chân dãy núi Ba Vì, cách trung tâm thủ đô 40 km. Lý do là Nghĩa trang Mai Dịch giữa Hà Nội đã gần hết chỗ.

Đây là Nghĩa trang lớn nhất nước, dành riêng cho cán bộ cấp cao, hầu hết là đảng viên cộng sản, và « những danh nhân ». Cần nói ngay rằng thực tế chứng minh một tỷ lệ không nhỏ cán bộ cấp cao tham nhũng, quan liêu, lãng phí ghê gớm, phá nhiều hơn xây, phạm pháp, ra tòa, không xứng đáng được ưu đãi.

Một kế hoạch cụ thể đã được phác thảo, với mô hình thu nhỏ 1/1.500, tại xã Yên Trung, gồm có 2.200 đến 2.500 ngôi mộ, chiếm 120 héc ta đất, mỗi ngôi có diện tích chừng 35 mét vuông. Chi phí dự trù cho nghĩa trang này lên đến 1.400 tỷ đồng, bằng 61,5 triệu đôla.

Nhiều trí thức, đảng viên, nghệ sĩ, quần chúng lên tiếng công khai đòi hủy bỏ kế hoạch xây dựng nghĩa trang to lớn quá đắt này.

Những tiếng nói mạnh mẽ, rất đáng chú ý có sức thuyết phục là của blogger Huỳnh Ngọc Chênh, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện, Ts Nguyễn Văn Thọ và nữ nghệ sĩ điện ảnh Kim Chi, có chung một ý kiến rằng không nên phân chia đẳng cấp với người đã chết, chôn riêng cán bộ cao cấp, phân biệt với cán bộ trung, sơ cấp và dân thường, những người bị coi là thứ dân, khi mọi công dân về nguyên tắc, nhân phẩm là bình đẳng.

Ý kiến rất xác đáng là nước ta còn nghèo, chi tiêu cần hết sức tiết kiệm, phải lo cho những người dân còn sống, trước khi lo đến việc an táng người đã chết. Tại sao chế độ này quyết định xây vô số những tượng đài hàng nghìn tỷ một cách dễ dàng trong khi trường học vùng cao cho các em học sinh vẫn còn tường đất, mái gianh, bệnh viện nhiều nơi chật chội – 2 bệnh nhân nằm chung giường, rất nhiều nơi ở Sơn La, Lai Châu… các em đi học không có cầu bắc qua sông, phải bơi, bám giây cáp rất nguy hiểm, nhiều em phải bỏ học, có em bị chết đuối. Đây là những việc làm bức thiết, cấp bách phục vụ đời sống của công dân, phải là những ưu tiên của lãnh đạo, của Nhà nước của dân do dân và vì dân. Nghệ sĩ Kim Chi cho rằng quyết định xây nghĩa trang hơn nghìn tỷ riêng cho cán bộ cao cấp lúc này là một biểu hiện vô cảm trái đạo lý và đặt ra câu hỏi rất thích hợp: « đầu óc lãnh đạo có bị làm sao? trái tim họ để ở đâu? ». Nợ quốc gia ngập đầu, ngân sách thiếu hụt, dân nghèo khổ còn đông, sao lại phung phí tìền của dân đến thế!

Tôi có thêm vài ý kiến như sau. Tôi đã quan sát ở các nước Pháp, Đức, Hoa Kỳ… không hề có nghĩa trang nào dành riêng cho cán bộ cấp cao. Tướng De Gaulle, tổng thống Mitterand đều an táng tại quê nhà. Điện Panthéon là mộ tập thể của những người con vĩ đại đã làm rạng danh nước Pháp. Trước Điện là dòng chữ « Tổ quốc ghi ơn những con người vĩ đại » – Aux grands hommes la Patrie reconnaissante. Qua 2 thế kỷ, hiện mới có 65 ngôi mộ trong ngôi Điện này. Phần lớn là các nhà tư tưởng, nhà văn, nhà khoa học có sáng tác phát minh nổi bật. Đó là Victor Hugo, Alexandre Dumas, Pierre Curie, André Malraux. Chỉ có Sadi Carnot là tổng thống duy nhất được an táng tại đây.

Tôi đã đến nghĩa trang Arlington ở Hoa Kỳ, mộ tổng thống J. Kennedy chiếm có 6 mét vuông tại đây, không khác gì các mộ khác, mộ các sĩ quan, chiến sỹ ở cạnh.

Tôi nhớ đến bản di chúc của ông Hồ Chí Minh, có ghi rõ mong muốn được hỏa táng và ước muốn hỏa táng sẽ được thực hiện rộng rãi, ít tốn kém lại hợp vệ sinh. Chính đây là điều trong di chúc mà lãnh đạo cần thực hiện trọn vẹn lúc này. Đây là điều ông Lê Duẩn tự ý dùng bút xóa bỏ, anh Vũ Kỳ và tôi đã thực hiện « âm mưu tiết lộ công khai » buộc lãnh đạo phải tòi ra toàn văn bản di chúc để trình quốc hội và sau đó in ra toàn bộ nguyên vẹn bản di chúc. Hỏa táng thi hài ông Hồ vẫn là một nhu cầu tinh thần, một món nợ đối với người đã khuất. Huống gì nhiều nhà duy tâm cho rằng chính vì không hỏa táng hay chôn cất toàn thân ông Hồ, mà đất nước không yên, oan hồn ông đè nặng khuấy động trên đất nước này!

Một chi tiết quan trọng là chính phủ từng ra văn bản kêu gọi nhân dân thực hiện hỏa thiêu một cách rộng rãi, phổ biến, sao lại làm cái việc ngược lại là xây dựng nghĩa trang Yên Trung. Nói một đằng làm một nẻo là thế.

Rõ ràng đây là ý riêng của Bộ Chính Trị, đi ngược lòng dân, đi ngược cả di chúc ông Hồ mà họ ra rả kêu gọi phải học tập và làm theo! Không gì mỉa mai bằng.

Ban Tuyên huấn trung ương đảng hãy mở một cuộc điều tra dư luận hay trưng cầu dân ý để xem ý dân thực sự ra sao về vấn đề hệ trọng này.

Chắc chắn lòng dân sẽ bác bỏ ý định của tổng bí thư và Bộ Chính trị. Và có lẽ người bảo vệ mạnh mẽ nhất đề án nghĩa trang Yên Trung là ông tổng Trọng, khi ông đã 74 tuổi, già yếu, với hy vọng riêng tư được là một trong những nhân vật đầu tiên ứng cử việc sẽ được yên nghỉ tại đây.

Quốc Hội phiên tới ắt phải thảo luận về cái đề án 1.400 tỷ đồng này. Để xem khi ý định của tổng bí thư, của Bộ Chính trị đi ngược với lòng dân thì Quốc hội sẽ đứng về phía nào? Đó là quốc hội của nhân dân hay chỉ là những ông bà nghị bù nhìn của đảng, chuyên xoay lưng lại với người dân, coi dân là rơm rác.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG