Đường dẫn truy cập

Chi ra 250 tỷ mỹ kim để làm gì?


Một điều trong dự luật cấm tất cả các điện thoại dùng trong chính phủ không được sử dụng Tik Tok, trước đây chỉ cấm bộ quốc phòng và bộ nội an. Hình minh họa
Một điều trong dự luật cấm tất cả các điện thoại dùng trong chính phủ không được sử dụng Tik Tok, trước đây chỉ cấm bộ quốc phòng và bộ nội an. Hình minh họa

Chính phủ Mỹ sẽ chi ra $250 tỷ đô la để thúc đẩy nghiên cứu khoa học! Trên nguyên tắc, đó là một ý tưởng sai lầm, không phù hợp với chủ trương kinh tế tự do, là nền tảng sức mạnh của nước Mỹ! Chỉ khi nước Mỹ phải đối đầu với một chính quyền độc tài đảng trị đang muốn qua mặt mình, thì phải tùy thời linh động! Thượng viện Mỹ mới thông qua một dự luật chi ra $250 tỷ đô la, trong đó $190 tỷ dành cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Nhưng dự luật này cũng biến thành một khí cụ để chạy đua kinh tế với Trung Cộng.

Năm 2015, Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố chương trình Made in China 2025 (MIC 2025), hứa hẹn trong 10 năm Trung Quốc sẽ sản xuất hàng công nghiệp chế ngự thế giới. Hai năm sau, Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra một viễn ảnh vĩ đại hơn. Trước mặt 2,000 đại biểu quốc hội, ông nói suốt 3 giờ rưỡi đồng hồ, hứa hẹn tới năm 2050 Trung Quốc sẽ đứng đầu thế giới về mọi mặt.

Từ hồi đó tới giờ không thấy giới lãnh đạo nước Mỹ có ý kiến gì về vụ đó cả. Cho đến tuần này, Thượng viện Mỹ mới đáp lời. Một dự luật được 68 nghị sĩ bỏ phiếu thông qua sẽ dùng tiền nhà nước để đẩy mạnh việc nghiên cứu nhằm bảo đảm nước Mỹ vẫn chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh kinh tế (và quân sự) toàn cầu.

Chính vì các đại biểu quốc hội muốn tỏ thái độ với ông Tập Cận Bình mà dự thảo luật mang tên Luật Canh tân và Cạnh tranh (Innovation and Competition Act – ICA) lúc đầu chỉ dài 150 trang đã được nhiều người đề nghị thêm, dần dần tăng lên 730 trang, 1,445 trang, cuối cùng dài đến 2,000 trang! Bởi vì ngoài các điều khoản khuyến khích nghiên cứu để canh tân khoa học, kỹ thuật, còn nhiều điều chỉ nhắm vào chính quyền Trung Cộng!

Dự luật ICA cấm các viên chức Mỹ đi dự Thế Vận Hội 2022 ở Bắc Kinh; trừng phạt chính quyền Trung Cộng về tin tặc, về ăn cắp quyền sở hữu tri thức, về các trại tập trung người Uyghurs ở Tân Cương mà Tổng thống Joe Biden gọi là hành động “diệt chủng.” Dự luật cũng tăng cường hợp tác với Đài Loan; chính thức hóa liên minh với các nước Australia, Nhật Bản và Ấn Độ mà ông Biden sau khi nhậm chức đã “họp thượng đỉnh” trên mạng. Dự luật đòi phải có các biện pháp ngăn ngừa ảnh hưởng Trung Cộng trong các tổ chức quốc tế, trong các đại học ở Mỹ.

Một điều trong dự luật cấm tất cả các điện thoại dùng trong chính phủ không được sử dụng Tik Tok, trước đây chỉ cấm bộ quốc phòng và bộ nội an. Dự luật hỗ trợ việc sản xuất chất bán dẫn (semiconductor) để chấm dứt tình trạng nước Mỹ nhập cảng quá nhiều semiconductor từ Trung Quốc, khiến cho gần đây thiếu hụt đến nỗi các nhà máy xe hơi phải ngưng hoạt động. Nước Mỹ đứng đầu về semiconductor trên thế giới, nhưng chuyên chú làm các loại kỹ thuật cao nhất; vì thế số sản xuất từ thời 1990 chiếm 37% của cả thế giới nay đã xuống chỉ còn 12%. Một ngân sách $52 tỷ nhằm trợ giúp các công ty sản xuất chất bán dẫn thông dụng mà lâu nay họ vẫn bỏ qua vì lợi nhuận không đủ cao để hấp dẫn. Nhưng bù đắp số chất bán dẫn mà Trung Quốc không cung cấp vì trở ngại tiếp liệu là chuyện nhỏ. Nước Mỹ còn đang chứng kiến ngân sách không có giới hạn mà ông Tập Cận Bình đang cấp cho việc nghiên cứu y khoa, trí khôn nhân tạo, tự động hóa, và các ngành năng lượng mới – trong lúc Trung Quốc đã sản xuất nhiều “pin điện” nhất thế giới.

Trước khi các nghị sĩ bỏ phiếu, ông Chuck Schumer, trưởng khối đa số, đã báo động: “Nếu chúng ta không làm gì cả, vai trò siêu cường của nước Mỹ sẽ chấm dứt!”

Vì vậy, bản dự luật sẽ thay đổi cuộc sống kinh tế khi đem tiền hỗ trợ các cơ sở nghiên cứu tư nhân và các đại học Mỹ để khám phá những kỹ thuật mới nhất. Công việc nghiên cứu khoa học ở Mỹ đã bị chính phủ bỏ qua từ 40 năm nay, bây giờ nhà nước sẽ dùng tiền khuyến khích các ngành Sinh học, Năng lượng mới, Hệ thống Liên kết các máy vi tính, $190 tỷ mỹ kim nghiên cứu về Trí khôn Nhân tạo (AI), tự động hóa (robotics), máy vi tính và thông tin lượng tử (quantum computing and communications).

Phải công nhận lâu lắm hai đảng tại Thượng viện mới hợp tác để làm được một việc ích lợi rõ ràng, nhắm nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế của nước Mỹ trong thế kỷ này.

Một số nghị sĩ Cộng Hòa, như Ron Johnson (Wisconsin.) Ted Cruz (Texas) và Rick Scott (Florida), đã phản đối. Lý do là đem tiền nhà nước để khuyến khích công việc nghiên cứu là sai lầm, vì sẽ ưu đãi một số ngành công nghiệp, bỏ rơi các ngành khác, vi phạm quy tắc tự do kinh doanh. Trong kinh tế tư bản, các quyết định chọn đề tài nghiên cứu thường để cho tư nhân làm, bao giờ cũng đúng nhu cầu hơn.

Nguyên tắc tự do kinh doanh là một nền tảng của kinh tế tư bản. Nhưng việc nghiên cứu khoa học, kỹ thuật là một trường hợp đặc biệt có thể đứng ngoài nguyên tắc đó. Vì nghiên cứu khoa học nhiều khi không thấy lợi trước mắt, nhưng đưa tới những kết quả lâu dài mà sau nhiều năm tư doanh mới sử dụng. Trong lịch sử kinh tế Mỹ, đã nhiều lần chính phủ đề xuất các công tác nghiên cứu cơ bản thay đổi cả nền kinh tế.

Thí dụ, năm 1957 Nga phóng vệ tinh Sputnik, chính phủ Mỹ đã huy động hàng ngàn nhà khoa học để nghiên cứu chế tạo hỏa tiễn tham dự cuộc chạy đua, rồi sau đó đã qua mặt Nga. Chương trình đó đã tạo ra không biết bao nhiêu bằng sáng chế mà các công ty thương mại sau này được dùng; trong đó hiển nhiên nhất là hệ thống vệ tinh nhân tạo đang bay trên bầu trời! Nhưng một quyết định quan trọng của chính phủ Mỹ thời đó là lập một Cơ quan Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật trong bộ Quốc phòng, tên tắt là DARPA. Cơ quan này không tự nó làm công việc nghiên cứu, mà tạo cơ duyên cho tư nhân hành động.

Tuy được lập ra với mục tiêu nghiên cứu quốc phòng, nhưng DARPA đã đóng góp cho đời sống kinh tế và xã hội của nước Mỹ với nhiều hệ quả lớn lao. Hãy lấy một thí dụ gần gũi nhất: Năm 2013, DARPA đã cấp $25 triệu mỹ kim cho một công ty dược phẩm nhỏ mới ra đời là Moderna, để nghiên cứu việc dùng mRNA chế thuốc chủng. Tức là dùng một tín hiệu thúc cho cơ thể sản xuất ra một chất protein kích thích hệ thống tự vệ trong con người. Năm nay, 200 triệu liều chuốc chủng ngừa bệnh dịch Covid-19 của Moderna được sử dụng, song song với thuốc chủng tương tự do một công ty Đức làm, hợp tác sản xuất với Pfizer.

DARPA ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân bình thường trên nhiều lãnh vực khác. Năm 1965, họ bỏ ra một triệu mỹ kim thuê các nhà nghiên cứu tìm cách nối kết các máy vi tính lại với nhau. Lúc họ thành công, năm 1969, chỉ có bộ quốc phòng và các nhà khoa học sử dụng phương tiện này. Nhưng 20 năm sau hầu hết người Mỹ đều quen thuộc với một ứng dụng của sáng chế đó, khi dùng internet. DARPA, hiện chỉ có 220 nhân viên, trong đó 100 người là giám đốc theo dõi các chương trình, cũng là nguồn gốc của hệ thống Xác định Vị trí, GPS, mà tất cả các điện thoại di động bây giờ đều gắn. Nếu không có Internet và GPS thì những công ty như Amazon, Google, FaceBook không thể nào ra đời và hoạt động được! Phải nói thêm: Các ông như Jeb Bezos, Mark Zuckerberg đã được hưởng những thành quả của các sáng chế dùng tiền của chính phủ, tức là của mọi người dân nước Mỹ, trở thành những người giàu nhất thế giới Nhưng ông Bezos hầu như không phải đóng một đồng tiền thuế lợi tức nào cả!

Dựa trên tấm gương của DARPA, hiện nay chính phủ Mỹ đã lập các cơ quan tương tự ở bộ Thương mại (chỉ dùng $10 tỷ mỹ kim), bộ Y tế ($6.5 tỷ), bộ Năng lượng (bắt đầu năm 2009), vân vân, để sử dụng tiền đóng thuế của dân Mỹ thúc đẩy các tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Các quốc gia khác đang thành lập các tổ chức tương tự, như Anh quốc (UK ARPA), Nhật Bản (Moonshot R&D), và nước Đức (Cybersecurity Innovation Agency).

Đó là những cách tiêu tiền của chính phủ thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật mà không can thiệp vào hoạt động sản xuất của tư doanh. Những công trình nghiên cứu đó thường không đưa tới thành quả lợi nhuận sớm như các công ty đòi hỏi cho nên chính phủ phải nhúng tay vào.

Cho nên số tiền $190 tỷ mỹ kim thực ra rất nhỏ trong ngân sách của nhà nước Mỹ, có thể sẽ ảnh hưởng lâu dài đưa nền kinh tế tới những chân trời mới. Đặc biệt, trong thời gian này nước Mỹ cần phải chạy đua với kế hoạch Trung Quốc 2050 của ông Tập Cận Bình.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG