Đường dẫn truy cập

Nghiên cứu văn học Việt Nam tại Úc


Cuối năm 2012, tôi và một số đồng nghiệp tại Đại học Wollongong được Hội đồng Nghiên cứu Úc (Australian Research Council, thường được gọi tắt là ARC) đồng ý tài trợ để tiến hành một dự án nghiên cứu về văn học của một số cộng đồng di dân tại Úc, chủ yếu tập trung vào bốn ngôn ngữ chính: Ả Rập, Trung Hoa, Tây Ban Nha và Việt Nam. Trong vòng ba năm, với mỗi ngôn ngữ, chúng tôi sẽ cố gắng làm ba việc: một, xuất bản một số công trình nghiên cứu; hai, tổ chức một số cuộc hội nghị quốc gia và quốc tế; và ba, cấp học bổng và hướng dẫn sinh viên làm luận án Tiến sĩ về một trong bốn nền văn học nêu trên. Tham gia vào dự án có bốn người thuộc ba đại học tại Úc: Đại học Wollongong, Đại học Sydney và Đại học Victoria. Phần tôi, thuộc Đại học Victoria, sẽ phụ trách phần liên quan đến Việt Nam.

Được thành lập từ năm 2001, Hội đồng Nghiên cứu Úc (ARC) là cơ quan trực thuộc chính phủ Úc, chuyên trách về việc xét duyệt và tài trợ cho các dự án nghiên cứu quan trọng trong các lãnh vực khoa học, khoa học xã hội và nhân văn. Để nhận được tài trợ của ARC (với ngân sách, ví dụ, trong năm tài chính 2011-2012 là 833.3 triệu Úc kim), giới nghiên cứu phải trải qua một cuộc cạnh tranh rất gay gắt: Trung bình trong khoảng mười hồ sơ, chỉ có một được chọn. Việc được ARC chọn cấp tài trợ được xem là một thắng lợi không phải cho cá nhân người nghiên cứu mà còn là một thành tích cho cả trường đại học nơi người ấy đang làm việc. Trong các đề tài được ARC chọn, đề tài liên quan đến Việt Nam rất hiếm xuất hiện; nếu xuất hiện, hầu như tất cả đều tập trung vào các khía cạnh chính trị, xã hội và văn hóa nói chung. Riêng về đề tài văn học Việt Nam tại Úc thì đây là lần đầu tiên.

Dự án chỉ mới bắt đầu. Còn ba năm nữa mới kết thúc. Lúc ấy, nhìn lại, chúng ta mới biết công việc nghiên cứu đã đi đến đâu. Ở thời điểm này, điều duy nhất tôi có thể nói được: về phương hướng nghiên cứu, văn học Việt Nam tại Úc sẽ được tiếp cận từ góc độ Lưu vong học (Diaspora Studies). Đây là một hướng nghiên cứu khá mới, chỉ xuất hiện ở Tây phương từ khoảng thập niên 1990. Một số chuyên gia trong ngành Việt Nam học ở Tây phương đã sử dụng cách tiếp cận này để nghiên cứu về cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Phần lớn tập trung vào các khía cạnh chính trị, xã hội hoặc văn hóa nói chung. Chỉ có vài người quan tâm đến văn học, nhưng hầu hết lại chỉ nhắm đến dòng văn học viết bằng tiếng Anh của người Việt (1). Chỉ có một ngoại lệ: John C. Schafer với cuốn, Võ Phiến and the Sadness of Exile (2006). Tuy nhiên, Schafer, dù nhắc đến khái niệm “diaspora” khá nhiều lần, vẫn không có ý định chọn Lưu vong học làm điểm xuất phát chính, có lẽ lý do chính là ông muốn bao quát toàn bộ sự nghiệp của Võ Phiến, từ trong nước ra đến hải ngoại, trước cũng như sau năm 1975.

Trong khi đó, hầu như tất cả các nhà phê bình Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, đều viết về văn học Việt Nam ở hải ngoại như là một bộ phận của văn học Việt Nam nói chung. Người này thì nhấn mạnh về khía cạnh mỹ học, người khác thì nhấn mạnh hơn về khía cạnh chính trị, nhưng về phương diện phương pháp luận, cách nghiên cứu của họ không khác lúc người ta nghiên cứu về văn học trong nước. Về nội dung, cũng phân tích một số tư tưởng, chủ đề và tâm trạng chung, đặc biệt lòng hoài niệm, cảm giác bơ vơ và lạc lõng ở xứ người, đặc biệt những năm đầu tiên sau 1975, và những sự căm ghét đối với chế độ Cộng sản. Về thi pháp, cũng phân tích một số đặc điểm về cấu trúc, cách xây dựng nhân vật và cách sử dụng ngôn ngữ. Không có gì khác.

Cách nghiên cứu như thế rõ ràng là bất cập. Văn học Việt Nam trong và ngoài nước không phải chỉ khác nhau về phương diện địa lý. Đó chỉ là một trong vô số các khác biệt khác. Ngay cả khi chỉ đừng lại ở góc độ địa lý, sự khác biệt giữa văn học Việt Nam trong và ngoài nước không phải chỉ nằm ở chuyện trong và ngoài.

Trong, thì đã đành. Ở một quốc gia tương đối khép kín như Việt Nam, cái gọi là “trong” ấy thực sự là trong, intra-national, ở đó, văn học chủ yếu chỉ chịu sự tác động của tình hình chính trị, xã hội và văn hóa nội địa, đặc biệt, dưới các chế độ toàn trị như ở Việt Nam, các chính sách của đảng cầm quyền. Ví dụ, chúng ta không thể hiểu được sự xuất hiện cũng như tư tưởng chủ đạo của những cây bút tiêu biểu và xuất sắc nhất trong nửa sau thập niên 1980 và nửa đầu thập niên 1990 tại Việt Nam, từ Nguyễn Huy Thiệp đến Phạm Thị Hoài, từ Dương Thu Hương đến Bảo Ninh, nếu không chú ý đến phong trào đổi mới do đảng Cộng sản tung ra vào năm 1986, đặc biệt, chính sách cởi trói văn nghệ do Nguyễn Văn Linh khởi xướng vào cuối năm 1987. Nhưng trong phong trào đổi mới, mỗi cây bút nêu trên lại quan tâm chủ yếu đến một khía cạnh khác nhau: Với Nguyễn Huy Thiệp, quá trình thượng mại hóa; với Phạm Thị Hoài, quá trình đô thị hóa; với Dương Thu Hương, quá trình dân chủ hóa; và với Bảo Ninh, quá trình tái cấu trúc quá khứ, đặc biệt quá khứ liên quan đến chiến tranh. Tất cả các sự kiện ấy đều được thu gọn trong biên giới của Việt Nam.

Cái gọi là “ngoài” ở khái niệm “ngoài nước” mới thực sự phức tạp.

Thứ nhất, và cũng đơn giản nhất, ngoài nước là ở ngoài Việt Nam, ở đó, giới cầm bút ở hải ngoại chịu sự tác động của ít nhất là ba nguồn: Một, từ Việt Nam; hai, từ quốc gia họ đang sống; ba, từ các cộng đồng lưu vong khác, từ cộng đồng lưu vong người Việt ở các quốc gia khác (global diaspora) đến các cộng lưu vong thuộc các sắc tộc khác hiện đang sống cùng quốc gia với họ. Trừ ngôn ngữ, ở phần lớn các phương diện khác, từ ý thức về bản sắc đến những trăn trở về việc viết lách cũng như các điều kiện sinh hoạt, văn học Việt Nam ở hải ngoại, thật ra, lại giống với các nền văn học lưu vong khác, ví dụ, của người Hoa, người Ấn Độ, hoặc người Nga và những người Đông Âu trước đây hơn là với nền văn học Việt Nam ở trong nước.

Thứ hai, ngoài Việt Nam là ở đâu? Câu trả lời thường nghe nhất: Ở cái quốc gia thứ hai nơi họ đang định cư. Ừ, thì cũng đúng. Nhưng đó chỉ là cái đúng trên mặt nổi. Thực tế phức tạp hơn nhiều. Người Việt Nam, cũng như bất cứ người lưu vong nào, bao giờ cũng sống trên hai quốc gia cùng lúc: Họ vừa sống trên đất nước mới nơi họ định cư lại vừa sống với cái quê gốc họ đã từ bỏ. Có điều, ở đây, lại có một nghịch lý: cái nơi họ đang sống thì họ lại không thể hội nhập hoàn toàn, ít nhất là về phương diện văn hóa, để lúc nào cũng có cảm giác lạc lõng như những người ở ngoài; còn đối với cái nơi họ nghĩ là gốc rễ của mình, nơi lúc nào cũng day dứt trong tâm thức của họ, thì lại quá xa xôi, thậm chí, xa lạ. Bởi vậy, đặc điểm đầu tiên của không gian lưu vong chính là tính chất phi lãnh thổ (nonterritorial). Trong cái không gian phi lãnh thổ ấy, người lưu vong, kể cả người lưu vong Việt Nam, thường xuyên đong đưa giữa các ngôn ngữ, giữa các văn hóa, giữa các biên giới: Số phận của những người vượt biên là phải vượt biên (crossing borders) suốt đời, là luôn luôn sống trên những biên giới. Giới nghiên cứu Lưu vong học gọi đó là những người sống ở giữa (in-betweenness) hoặc sống trên những dấu gạch nối (hyphenatedness). Ở những khoảng giữa và trên những dấu gạch nối ấy, bản sắc của họ thực chất là một thứ lai ghép (hybridity).

Văn học lưu vong, do đó, cũng là một thứ văn học lai ghép.

Một nền văn học như thế chắc chắn là phải có những đặc điểm khác với những nền văn học nội địa, nơi chỉ có một ngôn ngữ, một văn hóa và nơi mọi người, từ tác giả đến độc giả, biết mình thuộc về đâu.

Nhưng khác như thế nào?

Ngành Lưu vong học có khả năng cung cấp cho chúng ta những khung lý thuyết và những khái niệm mới mẻ và hữu ích để từ đó, chúng ta có thể phát hiện một số đặc trưng riêng của nền văn học lưu vong bằng tiếng Việt mà nếu nhìn theo cách truyền thống, chúng ta sẽ không thể nào thấy được.


***
Chú thích:
1. Ví dụ, các cuốn: East Eats West, Writing in Two Hemispheres của Andrew Lâm (2010), và This Is All I Choose to Tell: History and Hydridity in Vietnamese American Literature của Isabelle Thuy Pelaud (2011).
  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG