Đấu tranh chống khủng bố là vấn đề đứng đầu nghị trình làm việc hôm thứ Hai 29/8, khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry gặp Thủ tướng Sheikh Hasina và Ngoại trưởng Abul Hassan Mahmood Ali của Bangladesh trong chuyến công du chính thức đầu tiên của ông tới thăm nước này.
Ngoại trưởng Kerry đã thay mặt cho Hoa Kỳ bày tỏ những sự đồng cảm và hậu thuẫn mà Mỹ dành cho quốc gia vùng Nam Á vẫn chưa hết hoang mang sau cuộc tấn công vào một quán café ở Dhaka hôm 1/7, giết chết 20 con tin kể cả 17 người nước ngoài mà Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Kerry nói vụ tấn công đó là “một hành động gây phẫn nộ và rõ rệt nhắm mục đích chia rẽ Bangladesh và ”cắt đứt xã hội thân thiện này với phần còn lại của thế giới”.
Ông nói: “Không một quốc gia nào có thể hoàn toàn tránh được nạn khủng bố, và không ai trong chúng ta có thể thắng cuộc chiến này nếu không có sự hậu thuẫn của các nước khác. Chúng ta phải sát cánh với nhau, và Hoa Kỳ đang sát cánh với Bangladesh trong cuộc đấu tranh này.”
Cảnh sát trang bị súng trường, nhiều người đi cách nhau có vài mét, canh gác trục lộ nơi đoàn xe của Ngoại trưởng Kerry đi ngang dọc theo các đại lộ khét tiếng đông nghẹt xe cộ của thủ đô Dhaka, nhiều đoạn đường đã bị phong toả trong khi xe hơi chở đoàn tuỳ tùng của Ngoại trưởng Mỹ chạy nhanh qua.
Một số tài xế bước ra khỏi xe đứng cạnh những chiếc xe của họ trên các con đường bị tạm thời chặn lại trong khi từng nhóm người qua đường đứng trên vỉa hè và lặng lẽ nhìn đoàn xe đi ngang.
Thành phố từng rất yên ổn này ngày càng thường xuyên trở thành mục tiêu của các cuộc cuộc tấn công khủng bố tinh vi, nhắm vào những người nước ngoài, các blogger và nhà hoạt động phi tôn giáo, cũng như thành viên của các nhóm thiểu số tôn giáo. Đây là một diễn biến đáng lo ngại tại một quốc gia Hồi giáo được biết đến như một nước kết hợp hài hoà sự mộ đạo với lòng khoan dung.
Chính phủ Bangladesh liên tục quy lỗi các vụ giết chóc cho các tổ chức bên trong nước.
Bà Lisa Curtis, một nhà nghiên cứu kỳ cựu thuộc Hội Heritage ở thủ đô Washington của Hoa Kỳ nói:
“Chính phủ của Thủ Tướng Sheikh Hasina cho tới nay vẫn duy trì lối tiếp cận theo kiểu 'vùi đầu vào cát'. Tình trạng này đã kéo dài vài năm rồi, mà chính phủ của bà Hasina vẫn muốn quy lỗi cho phe đối lập chính trị thay vì thừa nhận rằng Bangladesh đang phải đối phó với vấn đề liên quan tới chủ nghĩa cực đoan.”
Sẵn sàng chiến đấu
Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, Đại sứ Bangladesh tại Hoa Kỳ Mohammad Ziauddin miêu tả nước ông là đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với bất cứ mối đe doạ nào, bất chấp là đến từ đâu.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA trước khi ông bay về nước để đón Ngoại trưởng Kerry, Đại sứ Ziauddin nói:
“Dù cho các mối đe doạ đó là do ảnh hưởng của Nhà nước Hồi giáo hay của al-Qaida, nếu thực sự chúng xảy ra trong tương lai, Bangladesh sẵn sàng chiến đấu chống những kẻ thù ấy.”
Bangladesh, Ấn Độ, Hoa Kỳ và nhiều nước khác liên tục trao đổi thông tin tình báo về các hoạt động khủng bố. Sự hợp tác đó đã được dẫn chứng là đã giúp chặn đứng một số cuộc tấn công đang trong những giai đoạn được hoạch định.
Đại sứ Bangladesh nói tiếp: “Chính nhờ những trao đổi thông tin đó mà chúng ta đã bứng gốc được một số tổ chức khủng bố đang nằm yên chờ giờ hành động.”
Giới quan sát theo dõi tình hình Bangladesh lưu ý rằng quốc gia đang phát triển này phải đối phó với mối đe doạ khủng bố ngày càng lớn mạnh ở trong nước giữa lúc đang có chia rẽ ý thức hệ giữa thành phần ủng hộ một xã hội phi tôn giáo với các nhóm tôn giáo cực đoan.
Đối lập chính trị
Bà Lisa Curtis, cựu phân tích gia của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), nhận định:
“Trừ phi có một cuộc đối thoại giữa chính phủ và phe đối lập Bangladesh, thì hầu như không thể nào đạt được một sự đồng thuận chung ở cấp quốc gia chống chủ nghĩa khủng bố, là điều đang thực sự đe doạ nước này.”
Vào chiều hôm nay, Ngoại trưởng Kerry sẽ có một cuộc hội kiến ngắn với thủ lãnh đối lập Bangladesh, bà Khaleda Zia, thủ lãnh của Đảng Quốc Đại Bangladesh (BNP).
Bà Zia từng phục vụ trong cương vị thủ tướng, là đối thủ chính trị lâu đời của bà Hasina. Đảng BNP và liên minh 20 đảng khác đã tẩy chay cuộc bầu cử năm 2014, các thành viên của đảng này không có mặt trong quốc hội đương nhiệm.
Vụ gấu ó cay đắng giữa hai phụ nữ đứng đầu hai gia đình thống trị nền chính trị Bangladesh từ lâu đã phủ bóng lên hệ thống chính trị của nước này.
Một lực thứ ba, Jamaat e Islami, là đảng tôn giáo lớn nhất nước, đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật cách đây 3 năm.
Một nhóm chuyên gia về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tuần trước kêu gọi chính phủ Bangladesh hãy huỷ án tử hình đối với một thủ lãnh của Jamaat-e-Islami và mở lại phiên toà xét xử ông Mir Quasem Ali sao cho “phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế”.
Motiur Rahman Nizami, thủ lãnh của Jamaat đã bị hành quyết hồi tháng Năm sau khi ông này bị kết tội về các tội ác chiến tranh đã thực hiện trong cuộc chiến tranh giành độc lập vào năm 1971, khi Bangladesh tách ra khỏi Pakistan.
Quan ngại về Kinh tế
Theo ông Curtis Chin, cựu Đại sứ Mỹ tại Ngân hàng Phát triển Á Châu, thì “Ngoài việc tập trung vào mối đe doạ khủng bố và chấm dứt xáo trộn chính trị, giới quan sát nói rằng chính phủ Bangladesh còn cần phải giải quyết những nguyên nhân khác cản trở tiến bộ kinh tế, đặc biệt là “nạn quan liêu cửa quyền, các quy định, hành động can thiệp của chính phủ, và tệ nạn tham nhũng đang tiếp tục cản trở đầu tư rất cần thiết để tạo công việc làm ăn và tạo điều kiện cho một quốc gia Bangladesh phát triển mạnh hơn.”
Ông Chin, giờ là một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu độc lập Milken, khuyến cáo: “Còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết những bất công và bất bình đẳng xã hội, nhưng nghèo đói không thể biện minh cho các cuộc tấn công khủng bố.”