Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Việt Nam hôm thứ Bảy để viếng cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng, nhấn mạnh mối quan hệ nồng ấm hơn giữa hai nước vốn từng đối đầu trong một cuộc chiến tàn khốc.
Ông Blinken đến Hà Nội vào tối ngày thứ Bảy sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Lào và đến thăm gia đình ông Trọng, nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Việt Nam trong suốt 13 năm và đã qua đời hôm 19 tháng 7 ở tuổi 80.
Đường lối “ngoại giao cây tre” của ông Trọng tìm cách cân bằng quan hệ với các siêu cường quốc đối thủ là Mỹ và nước láng giềng cộng sản Trung Quốc, cả hai đều là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Ông Blinken chào hỏi gia đình ông Trọng trước khi thắp một nén hương trước bàn thờ để di ảnh của ông. Sau đó, ông đứng chắp tay mặc niệm thể hiện sự thành kính.
Ông viết một thông điệp dài một trang trong sổ tang và khi nói chuyện với gia đình ông Trọng, ông chuyển lời chia buồn của Tổng thống Joe Biden.
Lễ tang cấp nhà nước kéo dài hai ngày của ông Trọng, kết thúc hôm thứ Sáu, đã thu hút hơn 250.000 người Việt Nam tham dự các buổi lễ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và quê nhà của ông ở huyện Đông Anh thuộc Hà Nội, truyền thông nhà nước đưa tin.
Chuyến thăm ngắn ngủi của ông Blinken diễn ra vào thời điểm nhạy cảm đối với quan hệ Mỹ-Việt Nam, vốn đã cải thiện trong những năm gần đây vì hai nước đều lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và sự quan tâm từ các nhà đầu tư Mỹ ở nước có nền kinh tế tăng trưởng trung bình 5,8% hàng năm trong thời gian ông Trọng nắm quyền.
Trong chuyến thăm Hà Nội của ông Biden vào năm ngoái, Mỹ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã quảng bá Việt Nam như một điểm đến thân thiện để chuyển dịch chuỗi cung ứng của Mỹ ra khỏi Trung Quốc.
Sau khi đến thăm tư gia ông Trọng, ông Blinken hội kiến Chủ tịch nước Việt Nam, Tô Lâm, người tạm đảm nhận những nhiệm vụ của ông Trọng, và sau đó gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Ông Blinken nói với Tô Lâm rằng ông Trọng là "nhà lãnh đạo nhìn xa trông rộng" đã xây dựng cầu nối lâu dài giữa hai nước, và cho thế giới thấy hai nước có thể tiến về phía trước bất chấp quá khứ khó khăn.
Ông cũng chuyển thư chia buồn của ông Biden về sự ra đi của ông Trọng cho ông Tô Lâm.
Về phần mình, ông Tô Lâm chuyển lời cảm ơn tới ông Biden, nói thêm rằng ông Trọng lúc sinh thời rất coi trọng việc phát triển quan hệ với Mỹ và thường nhắc đến Tổng thống Biden với nhiều tình cảm tốt đẹp, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin.
Chủ tịch Việt Nam khẳng định nước này coi Mỹ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu và hoan nghênh Mỹ tiếp tục cam kết ủng hộ một Việt Nam “mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng.”
Trong cuộc gặp với thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Blinken nói một trong những điểm sáng của chính quyền Biden là nâng cấp mối quan hệ chiến lược với Việt Nam.
Diễn đàn