Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ, TQ gặp nhau trước phiên họp Đại hội đồng LHQ


Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (phải) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị họp tại Washington, 19/9/13
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (phải) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị họp tại Washington, 19/9/13
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã thảo luận về các vấn đề vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, vũ khí hóa học của Syria và an ninh hải dương ở Biển Đông. Thông tín viên VOA Scott Stearn tường thuật rằng cuộc họp diễn ra tại Washington hôm thứ Năm trong lúc phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc khai mạc vào tuần sau ở New York.

Ông John Kerry đã thảo luận với ông Vương Nghị về những mối quan tâm chung – từ Syria và Iran cho tới những vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ phát biểu như sau:

"Từ cuộc đối thoại của chúng tôi về tài sản trí thức cho tới an ninh biển và nhân quyền, chúng tôi cam kết giải quyết các vấn đề khó khăn này, và như quí vị đã thấy, chúng tôi có một chương trình nghị sự rất lớn."

Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng đạt được tiến bộ là một việc quan trọng:

"Chúng tôi muốn làm cho sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, tránh xảy ra xung đột và đối đầu là một phần của tất cả mọi khía cạnh của mối quan hệ Mỹ-Trung nhằm mang lại lợi ích cho cả hai nước."

Washington hy vọng những mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc sẽ có ích cho việc giải quyết vụ xung đột giữa Bắc Kinh với Tokyo về những hòn đảo ở Biển Đông Trung Hoa.

Những hoạt động tuần tra của tàu bè và máy bay của Nhật Bản và Trung Quốc trong vùng này đã làm gia tăng các mối căng thẳng và làm cho Nhật Bản tuyên bố họ có thể phái nhân viên chính phủ đến trú đóng ở quần đảo mà Tokyo gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Tuyên bố của Nhật Bản đã nhanh chóng gặp phải sự chỉ trích của Trung Quốc. Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu như sau.

"Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình và sẽ không dung thứ bất kỳ hành động leo thang nào. Nếu phía Nhật Bản thực hiện những hành động gây hấn cẩu thả, họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả."

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố Tokyo không thể làm ngơ trước những sự thách đố về vấn đề lãnh thổ. Ông nói:

"Chúng ta phải dùng chính cặp mắt của mình để nhìn rõ các mối quan hệ quốc tế, dùng đầu óc của mình để nhận biết vai trò của Nhật Bản và dùng đôi chân của mình để hành động."

Chính phủ của Tổng thống Obama đã tìm cách đứng ngoài cuộc tranh chấp này, tuy Washington và Tokyo có một hiệp ước phòng thủ chung. Phân tích gia Michael Auslin của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ cho biết tình trạng này tương tự như “sự mơ hồ chiến lược” mà Washington áp dụng trong cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với Đài Loan. Ông giải thích thêm như sau:

"Chúng ta nói rõ những lợi ích của mình là gì nhưng chúng ta không thật sự bày tỏ một cách đầy đủ ý nghĩ của mình đối với vấn đề. Thí dụ như khi nào chúng ta sẽ tích cực bảo vệ đồng minh của mình?"

Trung Quốc cũng có những đòi hỏi chủ quyền chồng lấn nhau ở Biển Đông với Philippines, Việt Nam và các nước khác.

Manila đang xem xét tới việc dẹp bỏ những khối bê tông mà họ tin là Trung Quốc đã đưa tới bãi cạn Scarborough mà hai nước đều tuyên bố có chủ quyền.

Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Trung Quốc một lần nữa lên tiếng chỉ trích tuyên bố của Philippines:

"Các hoạt động của Trung Quốc ở những hòn đảo đó và vùng biển xung quanh là hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền của mình. Chúng tôi yêu cầu Philippines chấm dứt các hành động khiêu khích, tôn trọng lập trường của Trung Quốc và cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định của Biển Đông."

Ông Michael Auslin cho biết Washington cũng tuyên bố không nghiêng về bên nào trong vụ tranh chấp này:

"Nếu chúng ta thật sự không có một lập trường, thì chúng ta đã không quan tâm tới vấn đề là vụ tranh chấp sẽ được giải quyết như thế nào và chúng ta đã không quan tâm tới những gì mà Trung Quốc đã làm. Nhưng chúng ta những nước đồng minh có ký hiệp ước, cụ thể là Philippines, và chúng ta có những nước khác mà chúng ta cảm thấy mỗi ngày một thân thiết hơn, kể cả Việt Nam."

Philippines đã nộp đơn kiện Trung Quốc lên tòa án trọng tài của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển. Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ yêu cầu trọng tài của Philippines và nhất mực cho rằng phân định ranh giới trên biển là vấn đề chủ quyền, không thuộc phạm vi tài phán của tòa án.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG