Ngoại trưởng Trung Quốc mới đây nói rằng nước này và Hoa Kỳ có thể cạnh tranh nhưng không nên nhìn vào nhau với não trạng Chiến tranh Lạnh, và cũng nên tránh nghĩ rằng đó là một cuộc đấu “được ăn cả, ngã về không”.
Bắc Kinh và Washington đang chìm trong một cuộc chiến thương mại ngày càng khốc liệt không thể dứt ra. Hai bên cũng đang ngày càng mâu thuẫn hơn về các vấn đề khác, chẳng hạn như việc Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan tự trị trong khi Trung Quốc coi đó là một phần lãnh thổ của họ, hay các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với quân đội Trung Quốc vì mua vũ khí Nga.
Tại một cuộc gặp với cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger hôm 25/9 ở New York bên lề một hội nghị của Liên Hiệp Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng hai nước sẽ đều thua nếu họ đối đầu với nhau.
"Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể có cạnh tranh, nhưng không nên sử dụng não trạng Chiến tranh Lạnh để nhìn vào nhau, và hai nước cũng cần tránh rơi vào cái bẫy là một cuộc đấu ‘được ăn cả, ngã về không’", một tuyên bố của Bộ Ngoại giao hôm 26/9 trích lời ông Vương cho hay.
"Gần đây, một số thế lực trong nước của Mỹ liên tục bôi nhọ tên tuổi Trung Quốc, tạo ra cảm giác đối kháng, gây tổn hại nghiêm trọng đến bầu không khí của quan hệ Trung-Mỹ", ông Vương nói thêm, nhưng không đi vào chi tiết cụ thể.
Nếu điều đó tiếp tục, nó sẽ đưa mối quan hệ đi chệch hướng, không phục vụ lợi ích của cả hai quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế, ông nói.
Trung Quốc hy vọng Hoa Kỳ cư xử hợp lý để hai nước có "nhận thức chính xác" về nhau, và ngăn không cho đà di chuyển tiêu cực này lan rộng, để đảm bảo mối quan hệ không chệch hướng, ông Vương nói thêm.
Quan chức thương mại hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 25/9 nói rằng “sẽ không hề dễ” thay đổi các chính sách kinh tế của Trung Quốc để họ trở nên có định hướng thị trường hơn, ngay cả với các mức thuế hiện tại đánh vào hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ đô la.
Kỳ vọng về đàm phán thương mại mới giữa Washington và Bắc Kinh đã sụp đổ tuần trước và các nhà phân tích tin rằng cả hai bên đều không có tâm trạng để sớm đi đến thỏa hiệp.
"Chúng tôi tin rằng bế tắc có thể sẽ vẫn còn đó cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020", các nhà phân tích tại ANZ cho biết trong một thư gửi khách hàng hôm 26/9.
(Reuters)