Đường dẫn truy cập

Ngư dân Lý Sơn thời biển chết


Ngư dân Lý Sơn thời biển chết
please wait

No media source currently available

0:00 0:04:39 0:00

Biển không còn cá, đó là thảm trạng chung của biển Việt Nam. Để đối phó, ngư dân Việt Nam nói riêng, đặc biệt ngư dân chuyên đánh bắt xa bờ của làng chài Lý Sơn ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, đã tìm cách sang các vùng biển khác để đánh bắt mặc dù họ vẫn biết đây là hành vi phạm pháp. Nhưng xăng dầu tăng giá, đánh bắt ở Hoàng Sa quá nguy hiểm vì hải cảnh Trung Quốc rượt đổi, đánh đập, nã súng. Họ buộc lòng phải làm liều để gỡ vốn. Một thảm trạng mới đang đến gần với ngư dân khi biển Việt Nam xuống cấp.

Đi và về, hai khái niệm giống như cặp phạm trù có tính sinh tử đối với ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi, quanh năm bám thuyền, lênh đênh cùng sóng gió, cùng bạn chài và phải đối mặt với không biết bao nhiêu nguy hiểm từ thiên nhiên và con người. Nếu thiên nhiên khắc nghiệt bởi sóng gió thì con người lại khắc nghiệt bởi những biên giới mơ hồ. Hải cảnh Trung Quốc có thể rượt đuổi, đâm chìm tàu, bắt bớ, thậm chí xả súng vào các ngư dân Việt Nam. Ở một chừng mực nào đó, có thể nói rằng nước mắt và máu hòa lẫn chén cơm của ngư dân Việt.

Thuyền trưởng Đinh Văn La, ngư dân Quảng Ngãi, chia sẻ với VOA Việt ngữ: “Tụi tui làm ngư dân khó khăn quá! Mà dầu mỡ thì lên giá quá, nhưng nhà nước không còn ủng hộ nữa. Bắt buộc tụi tui qua vùng biển các nước nhưng họ ví dữ quá, ngư dân bây giờ khó làm quá tay. Mong nhà nước xem xét ủng hộ dầu mỡ lại chứ!”

Sau đợt nhiễm độc nặng ở bờ biển miền Trung Việt Nam, hầu hết các vùng biển cận kề miền Trung đều hiếm hải sản, số lượng và chất lượng cá xuống đến mức thấp nhất. Các loại cá gần bờ lại dạt ra khơi để tồn tại và các loại cá nước sâu đã kéo nhau sang vùng biển khác. Hầu hết các chuyến ra khơi của ngư dân Lý Sơn đều chỉ đủ bù vốn và trả tiền lãi ngân hàng. Hiện tại, các thuyền đánh bắt xa bờ ở Lý Sơn chỉ đánh quanh quẩn ở khu vực hoặc có nhiều gia đình chuyển sang làm dịch vụ du lịch để giữ an toàn tính mạng.

“Tụi tui qua bển thì người ta rượt đuổi hoài, mình phải tranh thủ thời gian tránh né để đánh bắt chứ, khó khăn mà, họ dí hoài,” thuyền trưởng Đinh Văn La nói.

Một thuyền trưởng khác tên Điệp ở Lý Sơn cho biết thêm: “Như mình qua biển Nhật Bản, Philippines thì họ có quyền họ bắt. Như mình đi nước mình đổ lại thì an toàn hết. Mình qua ranh giới của họ là họ bắt liền. Mình vi phạm ranh giới của họ thì lượng cá, lượng mực nó nhiều hơn bên mình. Đa số Việt Nam mình bên này ít quá, đi đánh bắt xa bờ thì không đủ số lượng. Nên mình đánh liều qua lãnh giới của họ để đánh bắt ít, nếu lọt thì mình có chút mà sống, mà sợ không lọt thì bị họ bắt, đôi khi liều mà sợ vậy đó. Lãnh hải của mình ít quá, không kiếm được đủ để chia 5 triệu hoặc mười triệu cho mỗi anh em.”

Khác với những chuyến đi trước đây, thường thì nhanh nhất là nửa tháng, dài hạn nhất là một tháng, vùng đánh bắt chủ yếu là biển Hoàng Sa. Hiện nay, mỗi chuyến đi của ngư dân kéo dài từ một tháng đến ba tháng, ngư dân Việt Nam phải sang vùng biển các nước khác để đánh bắt và đương nhiên là đánh bắt bất hợp pháp. Những chuyến đi dài phi pháp luôn tiềm ẩn nguy cơ bị bắt hoặc gặp cướp biển.

Những chuyến trở về với ít ỏi hải sản, những chuyến trở về không gỡ nổi vốn, mối nguy phá sản cận kề bởi nợ ngân hàng ngày càng chồng chất... Điều này khiến cho nhiều ngư dân bỏ nghề, bỏ biển vào bờ làm đủ các nghề, trong đó kinh doanh du lịch chiếm phần đông nhưng không hề biết gì về loại hình kinh doanh này nên bữa được bữa mất, lại quay ra biển. Và biển như một ẩn dụ chẳng bình yên đối với ngư dân Lý Sơn.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG