Trong hơn một tháng qua, nhiều người dân ở các tỉnh thành trên dọc đất nước Việt Nam bày tỏ bức xúc qua mạng xã hội và báo chí sau khi ngành điện gửi hóa đơn thông báo họ phải trả số tiền tăng vọt so với tháng trước, cao hơn vài chục phần trăm cho đến hàng chục lần.
Một số độc giả không muốn nêu danh tính của VOA ở Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh xác nhận rằng hóa đơn của họ cao hơn trước “3, 4 lần”, làm họ “đau đầu”, và trước mắt họ vẫn phải nộp tiền để không bị cắt điện.
Theo quan sát của VOA, dường như lời tố cáo ngành điện gây tiếng vang nhất trên mạng xã hội là của doanh nhân Đỗ Hoài Nam, có tên thân mật trên Facebook là Namster Do.
Trong bài viết hôm 17/6 mở đầu với dòng chữ so sánh dịch vụ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) như chất cặn bã của động vật, ông Nam cho hay trong tháng 6 ông đi công tác nửa tháng nhưng ngành điện thông báo lượng tiêu thụ của ông “tăng vọt lên gấp đôi” so với tháng 4, khi ông ở nhà 100% thời gian để tránh dịch Covid-19.
EVN có điều nhân viên đến gặp ông Nam, nhưng “họ chẳng quan tâm đến giải thích thắc mắc chính đáng của khách hàng một chút nào”, doanh nhân có tổng cộng 48 nghìn người theo dõi qua Facebook thuật lại.
Cuối bài viết trên trang cá nhân, ông Nam, hiện sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, khẳng định “EVN hiện đang đi ngược lại với lợi ích của khách hàng” và bày tỏ mong muốn “phải có các chế tài để bắt buộc công ty này đứng về phía quyền lợi của khách hàng”.
Bài viết của ông Nam nhận được 45 nghìn phản ứng ủng hộ, hơn 8.000 lời bình luận và được 24 nghìn người khác lan truyền tiếp.
Bên cạnh những trường hợp tự lên tiếng trên mạng xã hội, nhiều báo Việt Nam đưa tin về một hộ gia đình ở Quảng Ninh và một hộ khác ở Quảng Bình choáng váng khi nhận hóa đơn lần lượt là gần 90 triệu đồng và 58 triệu đồng tiền điện, gấp hơn 100 lần so với mức bình thường họ tiêu thụ trước đây.
Tiếng nói của dư luận về hóa đơn tiền điện cao bất thường được thủ tướng Việt Nam nêu ra trong một cuộc họp của chính phủ hôm 22/6.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) “làm rõ, bảo đảm không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm”, báo chí Việt Nam cho hay.
Trong cùng ngày, báo chí nhà nước cũng đăng tin rằng các công ty cung cấp điện ở Quảng Ninh và Quảng Bình thừa nhận họ có “sai sót” và “xin lỗi” trong việc ghi chỉ số và tính tiền đối với hai hộ dân.
Tiếp đến, EVN ra thông cáo báo chí hôm 23/6 nói tập đoàn này đã nhanh chóng “kiểm điểm và xử lý kỷ luật nghiêm” những giám đốc đơn vị và cá nhân liên quan đến các vụ sai sót về tiền điện ở Hải Dương, Quảng Bình, Quảng Ninh…
Bên cạnh đó, EVN cũng chỉ đạo các công ty thành viên “thực hiện nghiêm túc việc phúc tra 100%” cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước liền kề. “Các trường hợp phát hiện sai sót phải thực hiện xử lý hoá đơn tiền điện cho khách hàng đúng quy định”, thông cáo của EVN viết, nhưng không nói cụ thể khách hàng sẽ được hoàn trả hay đền bù ra sao.
EVN cũng cho biết họ bắt đầu thực hiện chỉ đạo của thủ tướng với việc lập đoàn công tác liên ngành có cả đại diện của Bộ Công Thương, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Hội Bảo vệ Người tiêu dùng để “kiểm tra, xác minh việc hoá đơn tiền điện tăng trong thời gian qua”.
Tuy thừa nhận có “một số sai sót” về việc ghi chỉ số tiêu thụ điện trong thời gian qua, song thông cáo của EVN nói rằng đó là những “sai sót cá nhân”. Tâp đoàn này khẳng định hệ thống phần mềm quản lý chỉ số điện năng của họ “hoạt động bình thường, hiệu quả”.
Theo quan sát của VOA, thông điệp trấn an của EVN dường như không được dư luận đón nhận một cách tích cực.
Trên các trang cá nhân và một số diễn đàn mạng xã hội như “Những người bạn của công tơ điện” và “Góc nhìn Báo chí - Công dân”, nhiều người bình luận rằng họ không tin tưởng việc EVN vốn hay có sai sót nay lại lập đoàn công tác để “kiểm tra chính mình”. Bên cạnh đó là những lời chỉ trích EVN “lộng quyền bao năm nay”.