Một dự luật về an toàn giao thông đường bộ của Việt Nam đang vấp phải sự phản đối từ nhiều người dân và cả các đại biểu quốc hội trong mấy ngày nay, theo quan sát của VOA, vì dự luật đề xuất rằng hàng chục triệu xe máy cần phải lắp camera ghi lại hành trình.
Vấn đề gây tranh cãi nêu trên bắt đầu trở thành đề tài thu hút dư luận từ ngày 24/11, khi quốc hội Việt Nam bàn về Dự luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ chứa đựng điều khoản quy định rằng xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thường được gọi ngắn gọn là camera hành trình.
Chỉ trong hai diễn đàn trên nền tảng Facebook có tổng cộng hơn 1,3 triệu thành viên là Otofun và Chân Trời Mới Media, đến tối 27/11, có hàng nghìn người thể hiện phản ứng cũng như bày tỏ ý kiến cho rằng việc nhà nước tính ban hành luật bắt người dân lắp camera hành trình trên xe máy là gây khó cho dân.
Theo tìm hiểu của VOA, đến tháng 8/2023, Việt Nam có hơn 72 triệu xe máy được đăng ký lưu thông. Trên các trang bán hàng qua mạng ở Việt Nam, các loại camera hành trình giá rẻ với chất lượng chấp nhận được có giá dao động từ vài trăm nghìn đồng đến 2 triệu đồng/chiếc. Như vậy, với giá trung bình 1 triệu đồng/chiếc, toàn bộ các chủ xe máy sẽ tốn tổng cộng tới hơn 72 nghìn tỷ đồng để lắp camera hành trình đầy đủ, nếu dự luật được thông qua.
Đối với nhiều người, việc mua được một chiếc xe máy có giá nhiều triệu đồng đã là một sự cố gắng lớn, nay lại phải gánh thêm chi phí lắp camera hành trình càng tạo thêm gánh nặng, đó là quan điểm của một lượng lớn những người bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân hoặc trong các diễn đàn.
Quan điểm đó cộng hưởng với những phát biểu của hai nữ đại biểu quốc hội Điểu Huỳnh Sang, tỉnh Bình Phước, và Đặng Bích Ngọc, tỉnh Hòa Bình, khi họ bàn luận về dự luật hôm 24/11.
Theo tường thuật của Tuổi Trẻ, VNExpress, VietnamNet và các báo trong nước, bà Đặng Bích Ngọc cho rằng việc bắt buộc lắp camera hành trình cho xe máy “có thể gây lãng phí, khó khăn cho người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn”.
Bà Điểu Huỳnh Sang lưu ý rằng thu nhập của người dân còn thấp nên phải khó khăn mới mua được xe máy, tới đây, họ phải chi trả thêm để lắp camera hành trình, đó sẽ là một sự lãng phí.
Các báo trích lời bà Sang nói rằng “cần xem xét lại” đề xuất gây tranh cãi trong dự luật “vì người dân vùng cao chỉ sử dụng phương tiện đi làm vườn, đi nương, rẫy thì liệu chính sách này có hiệu quả không?”. Bà Sang đưa ra quan sát của mình rằng “Không có quốc gia nào bắt xe máy lắp camera hành trình cả".
Bên cạnh đó, trên mạng xã hội, một lượng đông đảo các ý kiến nêu lên nghi ngờ về lợi ích nhóm, theo quan sát của VOA. Họ viết rằng đề xuất bắt buộc lắp camera hành trình trên xe máy có những dấu hiệu giống vụ hãng Việt Á thông đồng, thổi giá các bộ xét nghiệm COVID-19 đã dẫn tới vụ đại án mà trong đó hơn 100 người bị khởi tố và khoảng 40 người bị truy tố, đối diện án tù nhiều năm.
Một số người liên hệ với quy định trước đây bắt buộc phải trang bị bình cứu hỏa mini trên xe ô tô, một việc bị xem là không giải quyết được vấn đề gì về phòng cháy, chữa cháy xe ô tô, ngoài việc giúp cho nhiều cửa hàng bán được các bình cứu hỏa đó.
Đề xuất của dự luật đang được bàn thảo còn phải nhận búa rìu dư luận với các lời bình luận như “tào lao”, “ngu xuẩn”, “thiển cận”, “đề xuất bóc lột dân”, “sáng kiến của quan chức rảnh rỗi ngồi máy lạnh”…
Cùng với làn sóng phản đối là một số lượng đáng kể các lời bình luận từ người dân cho rằng việc lắp camera hành trình chỉ nên bắt buộc với các xe kinh doanh vận tải hoặc vận chuyển hành khách, theo quan sát của VOA. Đây cũng là ý kiến của ít nhất 3 đại biểu quốc hội được báo chí trong nước trích đăng.
Theo một bản tin của Tuổi Trẻ hôm 26/11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm được trích lời nói rằng cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu quốc hội để hoàn thiện dự luật, bao gồm cả “nghiên cứu kỹ lưỡng để điều chỉnh quy định về thiết bị giám sát hành trình” sao cho phù hợp với các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ cũng như điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay.
Diễn đàn