Đường dẫn truy cập

Người đào tị yêu cầu Thụy Sĩ phong tỏa tài sản giới lãnh đạo Triều Tiên


LHQ đã gởi một văn thư cho lãnh tụ Kim Jong Un để yêu cầu ông thực hiện những biện pháp để cải thiện nhân quyền, nếu không sẽ bị buộc phải chịu trách nhiệm về các tội ác trong quá khứ và hiện tại.
LHQ đã gởi một văn thư cho lãnh tụ Kim Jong Un để yêu cầu ông thực hiện những biện pháp để cải thiện nhân quyền, nếu không sẽ bị buộc phải chịu trách nhiệm về các tội ác trong quá khứ và hiện tại.

Một nhóm 20 người Bắc Triều Tiên đào tị đang thúc giục Thụy Sĩ phong tỏa ngay toàn bộ tài sản của giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng, những người mà họ nói là chịu trách nhiệm trực tiếp đối với những vụ chà đạp nhân quyền ở Bắc Triều Tiên. Trong lá thư công khai gởi cho Tổng thống Thụy Sĩ, nhóm này nói rằng việc phong tỏa tài sản có thể góp phần làm giảm bớt những vụ vi phạm nhân quyền có hệ thống và trên diện rộng trong nhiều thập niên nay. Từ Geneve, thông tín viên Lisa Schlein của đài VOA có bài tường thuật sau đây.

Những người đào tị nói rằng có những tiền lệ pháp lý để phong tỏa tài sản của Bắc Triều Tiên. Họ cho biết hành động như vậy trong quá khứ đã được thực hiện nhắm vào nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài, trong đó có ông Bashar al-Assad của Syria, Hosni Mubarak của Ai Cập, Zine El Abidine Ben Ali của Tunisia và Muammar Gadhafi của Lybia.

Tuy nhiên, chính phủ Thụy Sĩ không chấp nhận lập luận đó. Tổng thống Thụy Sĩ nói rằng tuy ông có sự cảm thông đối với nội dung của thỉnh nguyện thư, nhưng ông không thể phong tỏa tài sản của Bắc Triều Tiên mà không có chỉ thị rõ ràng của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Ông Ahn Myeong Chul, một nhân vật nổi tiếng trong giới những người Bắc Triều Tiên đào tị, cho biết ông thất vọng trước sự phúc đáp của Tổng thống Thụy Sĩ. Ông Ahn, người từng làm nhân viên canh tù ở Bắc Triều Tiên từ năm 1987 đến năm 1994, đã có kinh nghiệm thực tế về sự đối xử tàn bạo mà những tù nhân chính trị phải trải qua. Giờ đây ông làm giám đốc của NK Watch, một tổ chức phi chính phủ ở Nam Triều Tiên chuyên theo dõi tình hình nhân quyền ở Bắc Triều Tiên.

Tổng thống kiêm Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter nói ông không thể phong tỏa tài sản của Bắc Triều Tiên mà không có chỉ thị rõ ràng của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Tổng thống kiêm Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter nói ông không thể phong tỏa tài sản của Bắc Triều Tiên mà không có chỉ thị rõ ràng của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Ông Ahn nói rằng không ai biết rõ lãnh tụ Kim Jong Un và những thành viên cấp cao khác của chế độ ở Bắc Triều Tiên đã ký thác bao nhiêu tiền vào các trương mục ngân hàng ở Thụy Sĩ. Nhưng ông cho biết nhiều nguồn tin nói rằng tài sản của Bắc Triều Tiên có thể lên tới 3 hoặc 4 tỉ đô la.

Ông phát biểu như sau qua lời một thông dịch viên.

"Tài sản của Bắc Triều Tiên ở Thụy Sĩ là tiền xương máu mà họ đã gom góp, nhưng họ đã kiếm được qua 4 con đường khác nhau. Đường thứ nhất là người lao động Bắc Triều Tiên ở nước ngoài và đường thứ nhì là những nhà hàng Bắc Triều Tiên ở những nước khác. Đường thứ 3 là tiền của mà họ kiếm được qua việc bán ma túy và những thứ khác, và đường thứ tư là bán vũ khí bất hợp pháp cho các nước khác. Do đó, tài sản của Bắc Triều Tiên ở Thụy Sĩ quả thật là tiền đen."

Ông Ahn đã ra làm chứng trước Ủy ban Điều tra Liên hiệp quốc về tình hình nhân quyền Bắc Triều Tiên tại Geneve hồi năm ngoái. Ông cho biết ông đã nhấn mạnh tới một việc rất quan trọng là phải đưa các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế. Ông cho rằng điều đó sẽ đánh đi một thông điệp mạnh mẽ để người dân ở Bắc Triều Tiên biết rằng lãnh tụ của họ là một kẻ phạm tội hình sự.

Theo dự liệu, Đại hội đồng Liên hiệp quốc sẽ biểu quyết vào ngày mai về một nghị quyết để đưa Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế. Liên hiệp quốc đã gởi một văn thư cho ông Kim Jong Un để yêu cầu ông thực hiện những biện pháp để cải thiện điều kiện nhân quyền ở nước ông. Văn thư này cảnh báo rằng nếu không làm như vậy, ông Kim Jong Un sẽ bị buộc phải chịu trách nhiệm về những tội ác trong quá khứ và hiện tại.

Nhiều nguồn tin nói rằng tài sản của Bắc Triều Tiên có thể lên tới 3 hoặc 4 tỉ đô la trong các ngân hàng Thụy Sĩ.
Nhiều nguồn tin nói rằng tài sản của Bắc Triều Tiên có thể lên tới 3 hoặc 4 tỉ đô la trong các ngân hàng Thụy Sĩ.

Nhà tranh đấu Ahn Myeong Chul nói với đài VOA rằng ông tin chắc là việc 3 tù nhân người Mỹ được thả hồi gần đây là một phần của thủ đoạn làm hòa của chính phủ ở Bình Nhưỡng nhằm thuyết phục một số nước không bỏ phiếu tán đồng nghị quyết của Liên hiệp quốc. Ông Ahn cho biết thêm như sau qua lời một thông dịch viên.

"Nếu Kim Jong Un, nhà lãnh đạo của Bắc Triều Tiên, trở thành một tên tội phạm của cộng đồng quốc tế, thì điều đó sẽ có một ảnh hưởng rất xấu cho Bắc Triều Tiên, bởi vì một khi dân chúng nước này biết được điều đó thì nó sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho sự kiểm soát của chế độ. Đó chính là lý do tại sao chính phủ Bắc Triều Tiên đang cố gắng hết sức để loại bỏ câu văn đó ra khỏi nghị quyết."

Ông Ahn nói thêm rằng tình hình nhân quyền Bắc Triều Tiên không hề được cải thiện sau vụ phóng thích các tù nhân người Mỹ, mặc dù có một số tin tức cho rằng tình hình đã được cải thiện. Ông Ahn cho rằng Bình Nhưỡng chỉ lợi dụng điều này để đánh bóng hình ảnh của họ.

Ông cho biết các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên dễ bị tổn thương bởi áp lực quốc tế, cho nên Đại hội đồng Liên hiệp quốc cần phải thông qua nghị quyết để đưa vấn đề nhân quyền Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế. Ông cho rằng việc phong tỏa tài sản Bắc Triều Tiên ở Thụy Sĩ sẽ là một điểm khác để gây sức ép mà giới lãnh đạo của nước này không thể nào làm ngơ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG