Những người tiêm chích ma túy tại hội nghị quốc tế về AIDS nói những nhu cầu đặc biệt của họ trong nhiều nỗ lực để chấm dứt sự lan tràn của loại virus này đã không được chú ý. Nhưng điều này đã thay đổi trong năm nay khi một nhóm những người dùng ma túy được phép đến tham gia hội nghị. Họ hy vọng sự hiện diện và tiếng nói của họ sẽ đem đến những tiến bộ lớn trong cuộc chiến chống bệnh AIDS. Thông tín viên Anita Powell của VOA tường thuật buổi nói chuyện với một thành viên của cộng đồng dùng ma túy tham dự hội nghị này tại Melbourne, Úc.
Ruth nói cô đã nghe mọi lập luận chống đối việc sử dụng ma túy trong thời gian dài của cô.
Cô Ruth cho biết: “Những người sử dụng ma túy không phải là người ngoài hành tinh. Họ không có xu hướng tự hủy hoại bản thân hay muốn đánh bà ngoại của họ để dành lấy cái TV. Chúng tôi chỉ đang tìm đường của mình trong cái thế giới này bằng cách tốt nhất chúng tôi có thể, và một số người tìm đến ma túy còn một số người thì không. Và tôi thực sự không nghĩ rằng mọi người nên can dự vào việc của người khác.”
Ruth đã yêu cầu chúng tôi không nêu tên họ của cô trong bài viết này vì bạch phiến bị cấm ở nơi cô sinh trưởng là Úc. Hầu hết mọi người xem cái gọi là ma túy giải khuây như một sự nghiện ngập có khả năng gây chết người. Nhưng Ruth không đồng ý với điều đó và nói rằng những người chích ma túy như cô đáng được xếp ra ngoài những cuộc tranh luận về nguy cơ tăng cao nhiễm HIV.
Và đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm vận động, đã có một gian hàng nhỏ ở một góc của hành lang hội nghị gắn biển hiệu “Những Người Dùng Ma Túy.” Một thành viên của cộng đồng này cũng đã phát biểu trong buổi lễ kết thúc hội nghị.
Gian hàng của những người sử dụng ma túy được trang trí bằng các hình vẽ bắt mắt với lá gai dầu 5 cánh, lá coca tròn và một vết màu hồng tươi mà Ruth nói là biểu tượng của mội loại cây thuốc phiện. Cô nói ngay rằng gian hàng không cung cấp ma túy bất hợp pháp.
Nhưng theo cô, gian hàng phơi bày hình ảnh của một cộng đồng HIV dương tính - những người đã từng là những nạn nhân đầu tiên của căn bệnh này nhưng đang âm thầm nằm ngoài những tranh luận về căn bệnh.
Ruth nói cộng đồng y học nên xem xét những trường hợp cụ thể của người dùng ma túy thay vì lên án ma túy. Cô nói cộng đồng mắc bệnh AIDS đang dần dần đến với ý tưởng này.
Cô Ruth nói: “Tôi nghĩ càng ngày càng khó cho cộng đồng HIV/AIDS trên thế giới khi loại bỏ bên ngoài những người dùng ma túy. Thật là ngu ngốc khi làm điều đó nếu chúng ta muốn giải quyềt dịch bệnh này. Chúng ta cần xem xét các môi trường trong đó HIV phát triển mạnh và sự kỳ thị mại dâm và sử dụng ma túy là những người bạn tốt của HIV.”
Bà Susie McLean, một cố vấn cao cấp về HIV và sử dụng ma túy của Liên Minh HIV/AIDS Quốc Tế, đồng ý như vậy. bà nêu ra rằng nếu chúng ta không tính các số liệu của vùng tiểu-Sahara Châu Phi thì 30% các ca nhiễm HIV mới trên toàn thế giới là từ những người dùng ma túy.
Bà McLean phát biểu: “Họ không phải là một nhóm ngoài lề trong cộng đồng HIV. Họ là một nhóm chính yếu. Nhưng một trong những vấn đề chúng ta quan tâm và cần vượt qua ở hội nghị này là quỹ tài chính cho những cộng đồng này và các tổ chức phục vụ họ.”
Ðiều đó có thể thay đổi sau một khuyến nghị mới của Tổ chức Y tế Thế giới về việc sử dụng Naloxone, một loại thuốc cứu mạng có khả năng đảo ngược những vụ sử dụng quá mức các loại ma túy như bạch phiến và methadone. Nhưng thuốc này gây tranh cãi: một số người chỉ trích lập luận rằng những người sử dụng ma túy coi đây như một hình thức bảo hiểm, và trở nên bừa bãi hơn trong việc sử dụng.
Bà McLean nói nhóm của bà ủng hộ Naloxone, và cũng muốn mọi người thay đổi cách nhìn đối với những người sử dụng ma túy.
Bà McLean nhận định rằng: “Những người sử dụng ma túy là những người giống như chúng tôi. Họ là anh chị em chúng tôi, con cái chúng tôi. Và chúng tôi nghĩ rằng phần lớn vấn đề tiếp diễn trong chính sách công là điều tôi thường gọi là “othering” - nghĩa là một cách nói rằng những người sử dụng ma túy là những người ngoại cuộc, rằng họ là xấu xa. Và do đó điều chúng ta tìm cách nhấn mạnh là những người sử dụng ma túy là những người cũng như chúng ta. Ðôi khi họ cần sự giúp đỡ và hỗ trợ, họ luôn cần có nhân quyền. Và chúng ta càng đáp lại theo cách đó về y tế và quyền lợi, thì càng có khả năng chấm dứt được HIV.”
Cô Ruth không muốn coi việc phi tội phạm hóa một số ma túy bất hợp pháp là mục tiêu tối hậu của cô - cô lập luận rằng việc phi tội phạm hóa ma túy là do chính trị thúc đẩy. Và cũng như nhiều người tán thành việc phi tội phạm hóa khác, cô nói sự kiểm soát và luật lệ sẽ làm cho ma túy an toàn hơn khi sử dụng và giảm thiểu tác động của các tập đoàn ma túy bất hợp pháp.